Điểm chuẩn đại học đợt 1-2023: Nhiều ngành tăng bất ngờ

Ngày 23-8, nhiều trường đại học (ĐH) tiếp tục công bố điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) đợt 1 dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong đó, đáng chú ý là một số trường tốp giữa có điểm chuẩn tăng bất ngờ so với năm 2022.

Tăng từ 9,75 đến 10,65 điểm

Trường ĐH Sư phạm TPHCM có khoảng 29.500 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023, tăng gần 39% so với năm trước. Do đó, điểm chuẩn của trường từ 19-27 điểm, trong đó, ngành Sư phạm Ngữ văn có điểm chuẩn cao nhất: 27 điểm; ngành Tâm lý học: 25,5 điểm, mức cao nhất trong số các ngành ngoài sư phạm của trường.

Trong khi đó, điểm chuẩn năm nay của Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM tăng bất ngờ. Năm 2022, điểm chuẩn của trường chỉ có 15 điểm, nhưng năm nay dao động ở mức 17-25,65 điểm. Nhiều ngành có điểm chuẩn tăng từ 9,75 đến 10,65 điểm.

Chẳng hạn, các ngành Khai thác vận tải (chuyên ngành Quản lý và kinh doanh vận tải), ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông, Kinh tế vận tải biển từ 15 điểm tăng vọt lên 24,75 điểm. Ngành Khai thác vận tải tăng từ 15 điểm lên 25,65 điểm; ngành Kỹ thuật ô tô (chuyên ngành cơ điện tử ô tô) có điểm chuẩn là 25,5 (tăng 10,5 điểm).

Điểm chuẩn vào 17 trường quân đội dao động từ 16,25-27,97 điểm, thấp hơn năm ngoái (điểm chuẩn cao nhất là 28,3 điểm). Năm nay, Học viện Khoa học quân sự có điểm chuẩn cao nhất, thí sinh nữ xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Trung Quốc phải đạt 27,97 điểm mới trúng tuyển. Trường Sĩ quan Công binh có điểm đầu vào thấp nhất, thí sinh nam khu vực miền Bắc xét tuyển vào trường chỉ cần đạt 16,25 điểm. Năm ngoái, không trường nào trong khối quân đội lấy dưới 17 điểm.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có điểm chuẩn dao động từ 18,35-26,31 điểm, trong đó, ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất là 26,31 điểm đối với thí sinh có hộ khẩu ngoài TPHCM (giảm nhẹ so với năm ngoái), và mức 25,9 điểm đối với thí sinh có hộ khẩu tại TPHCM (tăng nhẹ so với năm 2022). Ngành Răng - Hàm - Mặt có điểm chuẩn 26,28 điểm (thí sinh toàn quốc) và 26 điểm (thí sinh TPHCM).

Tương tự, Trường ĐH Y Dược TPHCM công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp với mức cao nhất là 27,34 điểm thuộc về ngành Y khoa, giảm khoảng 0,2 điểm so với năm ngoái. Xếp thứ hai về điểm chuẩn là ngành Răng - Hàm - Mặt với 26,96 điểm, giảm 0,04 điểm. Thấp nhất là ngành Y tế công cộng với 19 điểm, giảm 3,25 điểm. Ngược lại, ngành Y học dự phòng, Y học cổ truyền, Điều dưỡng, Hộ sinh tăng 0,5-3 điểm.

Trường ĐH Cần Thơ có điểm chuẩn dao động từ 15-26,86 điểm. Nhóm ngành đào tạo giáo viên của trường có đến 6 ngành điểm chuẩn trên 26. Riêng ngành Sư phạm Giáo dục công dân có điểm chuẩn cao nhất là 26,86 điểm. Trong khi nhiều ngành ngoài sư phạm có điểm chuẩn không cao, trong đó có nhóm ngành nông - lâm - thủy sản như Nông học và quản lý thủy sản (đều 15 điểm).

Nằm trong tốp điểm chuẩn cao nhất là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, với thang điểm 40, ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp có điểm chuẩn 38,02 điểm, tức là trung bình thí sinh phải đạt 9,51 điểm/môn mới trúng tuyển.

Trước đó, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng công bố mức điểm chuẩn khá cao với ngành Quan hệ công chúng là 28,75 điểm; ngành Đông phương học và Báo chí xét theo tổ hợp C00 lấy 28,5 điểm. Trong mấy năm trở lại đây, điểm chuẩn vào các ngành Quan hệ công chúng, Báo chí khá cao.

Thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học từ 24-8

Đến thời điểm này, mức điểm chuẩn thấp nhất là 14 điểm và cao nhất là 29,42 điểm. Hàng loạt trường lấy điểm chuẩn Sư phạm Lịch sử cao nhất, trên 28 điểm, dẫn đầu trong nhóm ngành sư phạm, lý do là chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT không nhiều. Ngành Khoa học máy tính dẫn đầu khối kỹ thuật, đạt điểm cao kỷ lục 29,42 (ngành Khoa học máy tính của ĐH Bách khoa Hà Nội).

Cùng với đó, xu hướng điểm chuẩn các ngành khối kỹ thuật như Cơ khí, Điều khiển tự động hóa, Cơ khí chế tạo máy trên toàn quốc tăng 0,5-1 điểm hoặc cao hơn ở một số trường thu hút thí sinh. Đây được cho là tín hiệu đáng mừng, thí sinh đã bắt đầu chú ý hơn đến nhóm ngành này thay vì chạy theo các ngành hot, theo phong trào.

Song song đó, nhóm ngành kinh tế như Kinh tế đối ngoại, Kinh tế quốc tế, Logistics, Marketing, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử; nhóm ngành quan hệ công chúng, báo chí, ngôn ngữ Anh, Trung, Hàn… vẫn duy trì sức hút với điểm chuẩn cao, từ 26-28 điểm.

Đây cũng là những ngành có điểm chuẩn thuộc tốp cao nhất ở những trường mà lĩnh vực thế mạnh không phải kinh tế. Sức hút của nhóm ngành này do cơ hội làm việc rộng mở, các vị trí công việc cũng đa dạng, nhất là ở các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài.

Đến 17 giờ ngày 24-8, tất cả trường ĐH phải hoàn thành công bố điểm chuẩn. Theo quy định, tất cả thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD-ĐT từ ngày 24-8 đến 17 giờ ngày 8-9. Thí sinh không xác nhận nhập học trong thời gian quy định, nếu không có lý do chính đáng, coi như không trúng tuyển.

Các đợt tuyển bổ sung sẽ bắt đầu từ ngày 9-9 đến tháng 12. Khi đã xác nhận nhập học, thí sinh không được xét tuyển bổ sung, trừ khi được trường đồng ý. Những thí sinh chưa trúng tuyển có thể tham gia xét tuyển bổ sung nếu đủ điều kiện.

Tin cùng chuyên mục