“Điểm sôi” của hôn nhân

Trên diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT dẫn thống kê của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy hàng năm có 220.000 vụ ly hôn, trong đó có 70%-80% do bạo lực gia đình. Vì sao nhiều người chọn cách quay lưng với hôn nhân dễ dàng đến vậy?

Đánh rơi những điều tốt đẹp

Bạn tôi - một thẩm phán chuyên xét xử các vụ án ly hôn cảm thán: “Bây giờ, hơi tí là người ta đưa nhau đến tòa. Có trăm ngàn cơn cớ để chia tay, nào bạo hành, ngoại tình, vô tâm, mẹ chồng khó tính, vợ chỉ biết sự nghiệp…”.

Hồi mới lấy Khang, Di - em họ tôi tự hào vì chồng thuộc dạng... hiếm có khó tìm. Khang không thích nhậu, chiều tan sở là chạy một mạch về phụ vợ cơm nước, chơi với con. Nhưng sau 4 năm, Di nhận ra những đức tính ấy chứa đầy… bất ổn. Theo cô, đàn ông cần ra ngoài giao thiệp, xây dựng mối quan hệ, thể hiện mình và từ đó có những cơ hội làm ăn hoặc thăng tiến. Di dẫn chứng, cuộc sống mấy người bạn của cô ngày càng khấm khá, là nhờ chồng quảng giao, lanh lợi, biết nắm thời cơ, trong khi Khang vẫn thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, ngồi “chết dí” với ghế kế toán công ty.

Hôn nhân không phải lúc nào cũng màu hồng, lựa chọn giữ gìn hay buông bỏ luôn cần sự đắn đo, cẩn trọng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Hôn nhân không phải lúc nào cũng màu hồng, lựa chọn giữ gìn hay buông bỏ luôn cần sự đắn đo, cẩn trọng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Những điều ở chồng khiến Di vừa lòng năm xưa, nay bỗng thành chướng mắt. Bao đức tính như cơn gió thổi mát lòng Di một thời, nay là nguồn cơn khiến cô giận dữ. Ở các nhà khác, “điểm sôi” của các bà vợ là chuyện chồng ham vui, la cà quán xá đến quên mất đường về, những ông chồng mặc định chuyện bếp núc là của vợ… thì với Di, “điểm sôi” lại là hình ảnh an phận của Khang hoặc khi Khang triết lý “nghèo một chút mà hạnh phúc, nhẹ đầu; cuộc sống nên đơn giản”.

Nỗi lòng như mớ bòng bong mỗi ngày một quấn thít Di. Để rồi nửa năm trước, lúc mẹ nhập viện, Khang kêu vợ đưa tiền đóng viện phí thì Di bình thản: “Lâu nay không cố gắng, giờ đừng nói đến tiền”. Câu nói châm ngòi cuộc cãi vã, kết thúc bằng cái bạt tai của chồng khi Di thẳng thừng “anh là đồ vô dụng”. Di kể, cái tát như giọt nước tràn ly, “điểm sôi” chạm ngưỡng nên ngay trong đêm đó, cô viết đơn ly hôn. Tòa hòa giải 2 lần không thành, tuyên bố cho ly hôn.

Nếu yêu đương là giai đoạn tìm hiểu để đi đến quyết định chung sống, thì hôn nhân là hành trình của dung hòa khác biệt. Hành trình đó, có khi bao nhiêu tốt đẹp ban đầu dần rụng hết, mà vì xoay vần với trách nhiệm và bao điều lo lắng, người ta cũng chẳng buồn nhặt lại; hay lắm khi, điều mình từng rung động, tôn thờ ở đối phương, nay lại thành điểm đáng ghét nhất… Nhiễu sự là vậy, nhưng hôn nhân giúp ta trưởng thành, học được cách tôn trọng đối phương để cùng chung sống; biết nhìn thấy và phát huy ưu điểm; biết bao dung, tha thứ để học cách xây dựng, gắn bó; học yêu và chấp nhận tất cả những gì thuộc về bạn đời.

Chén trong sóng còn khua. Không ai dám vỗ ngực, rằng suốt 3, 5 hay 10 năm ở bên nhau, chưa từng bị đối phương làm cho… sôi máu và ngược lại. Những “điểm sôi” đó, vốn xuất phát từ một thói xấu, lời nói gây tổn thương hay một tình huống phát sinh không như ý. Có khi, “điểm sôi” lại khởi nguồn từ chính sự vô lý của mình. Nếu không đủ bình tâm nhận diện “điểm sôi” - bằng cách ngồi lại cùng nhau, khuyên nhủ, tháo gỡ hoặc chia sẻ giúp thông hiểu, điều chỉnh cho nhau sẽ rất dễ đánh đồng là “điểm sôi” của toàn cục cuộc hôn nhân, và ly hôn là tất yếu.

Lựa chọn ở mỗi người

Ba mất năm tôi 4 tuổi nên tôi không rõ hôn nhân của đấng sinh thành. Nhưng anh chị bảo, hạnh phúc của ba má xếp thứ hai thì không ai thứ nhất. Có lần, tôi tò mò: “Chưa bao giờ gây đến muốn bỏ nhau sao má?”. Bà phì cười: “Xây thì khó chớ đập mấy hồi!”.

Rồi má trầm tư, lúc sinh anh hai, ba có bồ, bỏ má đi với người ta mấy hôm. Má khóc đến tắt sữa. Chừng ba về, má dịu dàng: “Anh thương họ thật thì dẫn về đây, em đưa con về ngoại sống. Còn anh chỉ chơi bời sẽ rất tội con gái nhà người ta. Suy nghĩ xong, anh trả lời cho em biết”.

Hay lần ba ham vui, lén má đi đánh bạc đổ nợ. Chủ nợ đến nhà làm ầm ĩ, má gom hết vàng dành dụm đưa họ, còn lại khất đến mùa lúa sau. Họ đi rồi, má khóc: “Mình lao động cực nhọc, dù kiếm chỉ một đồng ăn cơm cũng thấy ngon, anh đi đánh bạc, có mang về cả gia tài em cũng thấy xấu hổ. Mình thắng, người ta thua nào có vui gì”.

Má tôi thong thả: “Mấy lần đó đều là điểm sôi của má chớ đâu”. Nhưng, má chọn yêu thương, chung sống với ba cho đến khi nào có thể. Vì má biết, đó là những “điểm sôi” của chỉ riêng má, còn đặt trong toàn cục hôn nhân, chưa bao giờ ba má muốn mất nhau. Mấy chục năm gắn bó, xấu tốt phơi bày, má chọn tạc dạ và nghĩ thương hoài hình ảnh ba hễ dư đồng nào, liền đi mua thêm ruộng để canh tác, làm ăn; là những lần ba được người ta thuê làm gì đó nặng nhọc, nhận được thù lao liền ù chạy ra chợ, rinh về đủ món ăn ngon hay mua quà cho má…

Vậy nên, chờ cơn sôi lắng, má ngồi xuống, tỏ bày khúc mắc rồi khuyên giải ba. Má nói, khi chưa làm điều đó mà oán trách, bỏ nhau là vội vàng và lắm khi sẽ hối tiếc cả đời. Còn đã ngồi lại khuyên giải đủ đường mà vẫn không lay chuyển đối phương, rõ ràng cuộc hôn nhân đó đang… sôi sùng sục, phải chọn bước ra.

Tin cùng chuyên mục