Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2011 - Đồng thuận với các giải pháp của Chính phủ

Ngày 2-12, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2011), một hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2011 đã diễn ra tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa, Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính quốc tế Simon Andrews đồng chủ trì diễn đàn.

Ngày 2-12, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2011), một hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2011 đã diễn ra tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa, Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính quốc tế Simon Andrews đồng chủ trì diễn đàn.

Gần 69% doanh nghiệp vẫn mở rộng kinh doanh

Lựa chọn chủ đề “Giai đoạn mới cho tăng trưởng cạnh tranh”, VBF 2011 chuyển tải thông điệp về ổn định và khôi phục lòng tin. Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đã nghe báo cáo cảm nhận môi trường đầu tư, kinh doanh của các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước; báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam và định hướng phát triển năm 2012 trước khi thảo luận sâu về 5 lĩnh vực: ngân hàng, thị trường vốn, sản xuất và phân phối, thuế, đất đai.

Theo báo cáo cảm nhận môi trường đầu tư, kinh doanh được trình bày tại diễn đàn, năm 2011 rõ ràng là một năm các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thể hiện qua chỉ số cảm nhận của các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh giảm xuống thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Mặc dù vậy, đa số doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn: gần 69% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới.

Kiên trì những kiến nghị về cải thiện cơ sở hạ tầng trong nhiều kỳ diễn đàn trước, lần này Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) Christopher Twomey ghi nhận những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong việc hoàn tất một số dự án cơ sở hạ tầng lớn như thông xe hầm Thủ Thiêm nối liền huyết mạch giao thông đại lộ Võ Văn Kiệt (TPHCM) và cảng nước sâu quốc tế Cái Mép đi vào hoạt động. Ông bình luận: “Chúng tôi mong muốn chứng kiến nhiều thành tựu giống như vậy nữa”.

Tuy nhiên, nhìn chung, các doanh nghiệp trong nước có cái nhìn lạc quan hơn về môi trường đầu tư so với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài trên hầu hết các lĩnh vực (12/14 lĩnh vực), đơn cử như hạ tầng vận tải, nỗ lực cải cách hành chính… Hai lĩnh vực có sự khác biệt lớn đáng chú ý trong cảm nhận giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là mức độ gia nhập thị trường và lao động. Hơn một nửa số doanh nghiệp trong nước cho rằng có sự giảm bớt những rào cản khi gia nhập thị trường trong khi tỷ lệ này ở các doanh nghiệp nước ngoài là 28%. Gần 29% doanh nghiệp trong nước cho rằng việc thuê và sa thải lao động dễ dàng hơn, trong khi tỷ lệ này ở các doanh nghiệp nước ngoài chỉ 7%...

Mong có sự sòng phẳng, minh bạch

Điều rất đáng lưu ý, sau nhiều năm được đánh giá cao, quản lý kinh tế vĩ mô lần đầu tiên được các doanh nghiệp tham gia cuộc điều tra xếp vào nhóm 3 lĩnh vực “đáng lo ngại” của môi trường kinh doanh. Đa số doanh nghiệp khuyến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm rào cản gia nhập thị trường bên cạnh cải thiện hệ thống hạ tầng vận tải, năng lượng...

Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh: “Cộng đồng doanh nghiệp đồng thuận với những nhận định và giải pháp mà Thủ tướng đã báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp vừa rồi. Chúng tôi mong muốn Chính phủ kiên trì thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, từng bước giảm lãi suất. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét mở rộng quy mô chương trình miễn, giảm, giãn thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nỗ lực xây dựng mô hình Chính phủ kiến tạo”.

Thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến hệ thống pháp luật kinh doanh của Việt Nam, ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) lo ngại rằng, dự thảo Luật Giá vẫn chưa thực sự minh bạch, rõ ràng dễ dẫn đến quyền tự ý định đoạt cho các quan chức nhà nước. “Ví dụ như những trường hợp biến động bất thường về giá được định nghĩa rất mơ hồ. Dự thảo cũng không đưa ra bất cứ trách nhiệm rõ ràng nào đối với các quan chức nhà nước về việc giữ bí mật thông tin cho doanh nghiệp cung cấp với mục đích kiểm soát giá”, ông Alain Cany nói.

Tính chắc chắn, ổn định và lành mạnh trong các quy định về thuế cũng được ông Brian O’Reilly, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Australia (AusCham) TPHCM nhìn nhận như một yếu tố quan trọng để củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong kinh doanh. Ông Brian O’Reilly cho rằng tình trạng giải thích khác nhau về các quy định thuế giữa các cơ quan thuế địa phương hiện còn khá phổ biến. Một ví dụ khác “liên quan đến những tờ hóa đơn nhỏ bé nhưng lại rất quan trọng”.

Vẫn vị Phó Chủ tịch AusCham TPHCM nhận xét, ở Việt Nam, hóa đơn đỏ hiếm khi được cung cấp, trừ khi người mua yêu cầu, sau đó hệ thống ký kết và cắt hóa đơn đỏ vẫn không hiệu quả. Thực tế này vừa tạo gánh nặng đối với người nộp thuế phải lập hóa đơn, biên lai; đồng thời gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc giám sát các khoản thanh toán thu nhập và thuế giá trị gia tăng…


Anh Thư

Tin cùng chuyên mục