Điện vẫn thấp thỏm chờ lũ

Thủy điện cạn kiệt, nhiệt điện chập chờn
Điện vẫn thấp thỏm chờ lũ

Tuần cuối cùng của tháng 6, nguồn cung ứng điện càng trở nên tồi tệ. Hệ thống điện quốc gia đã thiếu từ 1,722 - 2,376 tỷ kWh, mất cân đối từ 7%-9% sản lượng điện.

Thủy điện được xây dựng nhiều nhưng khó khăn do phụ thuộc vào nguồn nước. Trong ảnh: Đập tràn Nhà máy thủy điện Đại Ninh. Ảnh: CAO THĂNG

Thủy điện được xây dựng nhiều nhưng khó khăn do phụ thuộc vào nguồn nước. Trong ảnh: Đập tràn Nhà máy thủy điện Đại Ninh. Ảnh: CAO THĂNG

Thủy điện cạn kiệt, nhiệt điện chập chờn

Hồi đầu tháng 5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo hệ thống điện quốc gia sẽ chỉ mất cân đối khoảng 2%-5% sản lượng điện quốc gia, tương ứng 500 triệu kWh- 1,3 tỷ kWh. Đầu tháng 6, EVN cũng cam kết tình hình điện sẽ ổn định bình thường trở lại sau ngày 20-6.

Tuy nhiên, cho đến nay, mọi lời hứa của EVN đều đã không thể trở thành hiện thực vì… lũ tiểu mãn không về. Mọi nguồn điện đều đang ở tình trạng kiệt quệ đến mức báo động.

Theo quy luật mọi năm, trung tuần tháng 5, lũ tiểu mãn sẽ về đảm bảo cho các hồ thủy điện có thể hoạt động tối đa công suất. Nhưng đã hơn 1 tháng qua, vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy có lũ tiểu mãn.

Bà Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, hai cơn mưa vào đêm 20 và 21-6 vừa qua chỉ kéo dài vài tiếng, không đủ hình thành lũ và do đó, nước về các hồ gần như không cải thiện đáng kể mực nước.

Các hồ thủy điện đã gần mực nước chết. Tính tới chiều ngày 21-6, mực nước hồ Hòa Bình chỉ còn cách mực nước chết 1,23m. Tương tự, hồ Tuyên Quang chỉ cách mực nước chết 57cm và đặc biệt, hồ Thác Bà chỉ còn 17cm là tới mực nước chết.

Bởi vây, EVN hiện đã giảm mức khống chế nguồn thủy điện chỉ còn được phép huy động từ 40 - 45 triệu kWh, trong khi trước kia là 50 triệu kWh. Mức phát điện giảm tới 60% so với sức đóng góp của thủy điện vào mùa mưa, giảm tới 30% so với mức đóng góp của thủy điện vào mùa kiệt mọi năm.

Trong đó, sản lượng điện của nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam là thủy điện Hòa Bình đã giảm mất 1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm trước, trong khi, riêng nhà máy này đã chiếm tới hơn 12% sản lượng toàn hệ thống. Nguồn nhiệt điện than, tua bin khí lại liên tục gặp sự cố.

Các tổ máy nhiệt điện lớn của miền Bắc như Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Cẩm Phả 1, Sơn Động bị sự cố, ngừng hoạt động từ tháng 5. EVN đã từng đặt kế hoạch sẽ đưa vận hành trở lại các nhà máy này vào tuần đầu tháng 6 nhưng đến nay, các nhà máy này mới lác đác hoạt động trở lại trong sự thấp thỏm, lo âu của chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng giám đốc Điện lực Than - Khoáng sản cho biết, Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả đã vận hành trở lại vào hôm 21-6, nhiệt điện Sơn Động đã hoạt động từ trưa 22-6.

Theo bà Phan Thị Hòa, Trưởng ban Kiểm soát, Ủy viên HĐQT của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), việc ngừng cấp khí PM3 cho cụm nhà máy Cà Mau để sửa chữa giàn khoan từ ngày 19 đến 25-6 là việc cực chẳng đã. Bởi, PVN khai thác nguồn khí và dầu cùng chung với nhà thầu Talisman của Malaysia nên mọi kế hoạch cấp khí đôi khi lại bị phụ thuộc vào đối tác này.

Còn cắt điện luân phiên kéo dài

Một cửa hàng photocopy phải nghỉ do cúp điện. Hình ảnh thường xuyên ở TP hiện nay. Ảnh: CAO THĂNG

Một cửa hàng photocopy phải nghỉ do cúp điện. Hình ảnh thường xuyên ở TP hiện nay. Ảnh: CAO THĂNG

Cho đến nay, mức phân bổ điện cho các tổng công ty điện lực đang ngày càng hạn chế. Ví dụ, Tổng công ty Điện lực miền Bắc chỉ còn được huy động gần 48 triệu kWh/ngày, thiếu 26% so với nhu cầu. Tổng công ty Điện lực TPHCM cũng chỉ được huy động khoảng trên 42 triệu kWh, thiếu từ 5 đến 7 triệu kWh/ngày.

Ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công thương thừa nhận, nguồn cung ứng điện ngày càng căng thẳng, khó khăn, nhưng chủ trương của bộ khi tiết giảm điện là vẫn phải ưu tiên đảm bảo điện cho khối sản xuất kinh doanh. Do đó, chắc chắn, sẽ khó tránh khỏi việc cắt điện luân phiên sâu ở khu vực nông thôn và sinh hoạt.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết, hiện, các phụ tải này đã bị tiết giảm sâu tới tận 60% so với nhu cầu. Nhiều địa phương miền Bắc như ở Nam Định, Thái Bình, Nghệ An…, điện nông thôn, sinh hoạt bị cắt từ 5 - 6 giờ sáng kéo dài tới 8 giờ tối và nhiều hôm là tới 10 - 12 giờ đêm mới có điện trở lại.

Trước tình trạng này, hôm 21-6, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã ra chỉ thị số 17, yêu cầu đảm bảo các nguồn cung ứng điện. Chỉ thị này đã nhấn mạnh, EVN tập trung khắc phục các sự cố để đưa hai nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 và Quảng Ninh 1 hoạt động trở lại chậm nhất sau 20-6. Đồng thời, EVN cần chỉ đạo các đơn vị phát điện trực thuộc tăng cường ứng trực, khắc phục nhanh các sự cố nhà máy điện nếu xảy ra.

Bộ Công thương cũng yêu cầu tương tự về đảm bảo nguồn và sớm khắc phục sự cố đối với hai trụ cột năng lượng là Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị tổng công ty điện lực phải đàm phán với các đơn vị sản xuất kinh doanh, nếu có nguồn điện dự phòng chạy dầu diesel thì huy động nguồn này để giảm bớt khó khăn về cung ứng điện hiện nay.

Thủy điện sẽ chỉ hoạt động theo nguyên tắc, nước về tới đâu, phát điện tới đó, để giữ mực nước hồ không xuống mực nước chết. Như vậy, tình hình cung ứng điện sắp tới có giảm bớt căng thẳng hay không, dường như chỉ còn trông chờ vào… ông trời. Nếu đầu tháng 7, lũ tiểu mãn về thì tình hình điện mới được cải thiện.

Băng Dương

TPHCM: Tiếp tục ngưng cung cấp điện khẩn cấp

Dù đầu tháng 5 vừa qua, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM Trần Khiêm Tuấn cam kết chỉ cúp điện 5 giờ/ngày và 1 lần/tuần, tuy nhiên từ ngày 26-5 đến nay, do sản lượng khả dụng của hệ thống điện quốc gia phân bổ cho tổng công ty luôn thấp hơn 45 triệu kWh/ngày, nên tình trạng thiếu điện cục bộ trên địa bàn TPHCM tiếp tục diễn ra.

Trong khi đó, sản lượng điện tiêu thụ tại TPHCM luôn ở mức trên 49 triệu kWh/ngày, gây quá tải, quá nhiệt các thiết bị, dây dẫn và các máy biến thế, làm tăng nguy cơ sự cố mất an toàn cho người, thiết bị và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng quốc gia và vận hành hệ thống điện trên toàn quốc.

Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Tổng Công ty Điện lực TPHCM phải bắt buộc tạm ngưng cung cấp điện khẩn cấp, kéo dài hơn so với dự kiến ở một số khu vực để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện toàn quốc, dẫn đến tình trạng mất điện như Báo SGGP đã nêu. Đây là sự việc bất khả kháng.

L.Phong

Tin cùng chuyên mục