Điệp khúc thừa thầy thiếu thợ... giỏi

Nhiều đại biểu dự hội thảo “Hội nhập ASEAN trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp - cơ hội và thách thức” tổ chức tại TPHCM ngày 24-12 đã xoáy đi xoáy lại câu hỏi nhức nhối: “Chúng ta có gì để hội nhập? Cái ta có như thế nào?”.
Điệp khúc thừa thầy thiếu thợ... giỏi

Nhiều đại biểu dự hội thảo “Hội nhập ASEAN trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp - cơ hội và thách thức” tổ chức tại TPHCM ngày 24-12 đã xoáy đi xoáy lại câu hỏi nhức nhối: “Chúng ta có gì để hội nhập? Cái ta có như thế nào?”.

TS Đỗ Mạnh Cường, Viện Sư phạm kỹ thuật (Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM) so sánh: “Nếu tiếp tục như hiện nay thì chúng ta vẫn tiếp tục bán nhân công rẻ mạt và nó tương đương với việc chúng ta vẫn bán tài nguyên thô”.

Học nghề tại Trường Cao đẳng nghề Quận 2 - TPHCM

Bi kịch chất lượng lao động

Hội thảo do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB-XH) tổ chức, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, giảng viên, giáo viên các trường dạy nghề khu vực phía Nam. Phân tích sâu về những thách thức của lao động Việt Nam trước thềm hội nhập, TS Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề, cho hay, cơ cấu lao động đang ngày càng bất hợp lý. Ông Hùng dẫn chứng, năm 1979, cứ 1 người trình độ đại học thì có 2 người trung cấp và 7 lao động kỹ thuật. Đến giữa năm 2015, tỷ lệ này lần lượt là 1 đại học - 0,35 người học cao đẳng - 0,65 người trung cấp và 0,4 người học sơ cấp. “Một kiến trúc sư một năm thiết kế được 10 ngôi nhà; nhưng để làm được 1 ngôi nhà, cần hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn công nhân. Quy luật khách quan bao giờ cũng đòi hỏi số lao động trực tiếp (trình độ trung cấp, sơ cấp) nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp. Trong khi ở nước ta, lao động trực tiếp ngày càng ít đi, còn lao động gián tiếp cứ ngày càng phình ra” - TS Vũ Xuân Hùng nhận xét. 

Các chuyên gia lo ngại, người lao động trực tiếp ngày càng ít đi, rồi đa số người lao động sẽ trở nên không chuyên nghiệp, phải làm trái ngành nghề và hệ quả tất yếu là thất nghiệp. Con số cử nhân ế việc đang ngày một gia tăng: từ 166.000 người năm 2013 lên 174.000 người năm 2014 và năm 2015 là 199.000 người. Hiện nay, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề trong cả nước chỉ đạt 38,5%. Đây là một nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp, chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/5 so với Malaysia. Một hạn chế nữa của lao động Việt Nam là ngoại ngữ, học hết lớp 12 vẫn không nói được tiếng Anh, cứ gặp người nước ngoài là… “tắt điện”.

Phải “sống với nghề từ trong trường học”

Về tình trạng người lao động không được doanh nghiệp chấp nhận, TS Đỗ Mạnh Cường cho rằng, nguyên nhân không phải do người Việt Nam kém mà do cách huấn luyện chưa đạt. Theo TS Đỗ Mạnh Cường, môi trường trong nhà trường là môi trường giả định và rất khác với doanh nghiệp. Bài dạy trong nhà trường là tư duy sáng tạo để giải bài tập, còn doanh nghiệp cần người lao động sáng tạo tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. Kỷ luật của trường khác rất xa với kỷ luật của nơi sản xuất. “Học trò không sống mãi trong nhà trường, mà phải sống trong doanh nghiệp, phải hiểu văn hóa và tư duy của doanh nghiệp. Chỉ đào tạo nghề không thôi là chưa đủ, mà phải đào tạo cả thái độ nghề nghiệp nữa. Người học phải học lao động chứ không phải học vài động tác thực hành” - TS Đỗ Mạnh Cường đề nghị phải cho người học sống với nghề nghiệp ngay từ trong nhà trường, thay vì dạy học phi bối cảnh.

TS Đỗ Mạnh Cường cũng đề nghị tiêu chuẩn chọn giáo viên dạy nghề phải là “6 trong 1”: chuyên gia về kỹ thuật, nhà quản lý doanh nghiệp, huấn luyện viên, tư vấn - cố vấn, người đồng hành và nhà giáo dục. Ông Cường nêu yêu cầu, giáo viên dạy nghề phải sống với cái điều người đó dạy mới có thể đem lại kiến thức, kinh nghiệm, năng lực, giá trị sống hữu ích cho người học. Chứ hiện nay, gần 70% giáo viên nghề được khảo sát cứ tách khỏi nhà trường là… chết, doanh nghiệp cũng không thèm chọn thầy dạy nghề thì không thể cho người khác cái điều mà mình không có. Những quan điểm mạnh mẽ của TS Đỗ Mạnh Cường đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Nhiều trường nghề ngay lập tức bày tỏ sẽ cố gắng áp dụng.

Đánh giá về sự dịch chuyển lao động chất lượng cao, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Bộ LĐTB-XH), nhìn nhận, sau ngày 31-12 không có nghĩa là lao động nước ngoài “ào” sang Việt Nam và ngược lại. Ở chiều “nhập”, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Bộ LĐTB-XH có cái nhìn thực tế: “Lương ở nước mình thấp như thế, ai người ta vào? Mình không đi thì thôi! Nên không ngại nhiều việc lao động ASEAN tràn vào giành việc của lao động nhà”. Ở chiều “xuất”, theo bà Đức, giấy phép lao động của các nước sẽ là rào cản. Ví dụ, muốn sang Thái Lan hành nghề bác sĩ, phải biết tiếng Thái.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục