Vẫn xếp hàng chờ
Sáng 22-3, ngày đầu tiên Thông tư 02 có hiệu lực, nhiều trung tâm đăng kiểm trên cả nước vẫn rất đông người đưa xe đến đăng kiểm. Tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-05V chi nhánh Hồng Hà (quận Tân Bình, TPHCM), nhiều phương tiện mới đã đăng ký biển số nhưng chưa dán tem đăng kiểm lần đầu tiên vẫn được đưa đến để đăng kiểm. Theo Thông tư 02, xe mới không cần tới đăng kiểm nhưng trong buổi sáng 22-3, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-05V chi nhánh Hồng Hà vẫn phát ra hơn 100 phiếu thứ tự cho các phương tiện đến đăng kiểm. Tương tự, tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-02S (quận 11, TPHCM), Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-04V (TP Thủ Đức, TPHCM) cũng có rất nhiều phương tiện xếp hàng chờ đến lượt đăng kiểm.
Cùng ngày, ghi nhận tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 43-04D (đường số 1, KCN Hòa Cầm, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), các phương tiện vẫn xếp thành hàng dài chờ đợi đến lượt đăng kiểm. Hiện trung tâm chỉ hoạt động 2 dây chuyền với 6 đăng kiểm viên, hiệu suất đạt khoảng 70-80 xe/ngày. Đại diện trung tâm cho hay, việc áp dụng Thông tư 02 khiến đơn vị có chút bất ngờ và đang làm quen với việc thay đổi biểu mẫu kê khai mới…
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng, với khoảng 2 triệu ô tô kinh doanh vận tải trên cả nước, việc Thông tư 02 quy định miễn kiểm định lần đầu với xe mới và giãn chu kỳ kiểm định với một số loại xe sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí cho các chủ doanh nghiệp.
* Ông DƯƠNG VIỆT HỒNG, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-01S (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai):
Mỗi ngày trung tâm đăng kiểm từ 200-250 xe và đang tiếp nhận hồ sơ đối với các xe đăng kiểm lần đầu. Do Thông tư 02 mới triển khai nên đơn vị vừa làm vừa nghiên cứu và áp dụng để việc đăng kiểm đạt hiệu quả. Việc miễn đăng kiểm lần đầu, đồng thời giãn chu kỳ kiểm định một số loại xe cơ giới sẽ phần nào hạn chế tình trạng quá tải tại các trung tâm đăng kiểm kéo dài nhiều tháng qua.
* Ông NGUYỄN HỮU TÀI, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm xe cơ giới 83-01V (tỉnh Sóc Trăng):
Việc Thông tư 02 được ban hành trong thời điểm này là rất kịp thời và cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của nhiều người dân. Do Thông tư 02 cũng chỉ thay đổi quy định về việc miễn kiểm định lần đầu cho xe mới, tăng chu kỳ kiểm định, nên vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ của các đăng kiểm viên cũng dễ dàng áp dụng, vận hành thông suốt, hiệu quả.
HOÀNG BẮC - TUẤN QUANG ghi
Nhiều ô tô xếp hàng chờ đăng kiểm tại Trung tâm 50-05V chi nhánh Hồng Hà (quận Tân Bình, TPHCM). Ảnh: THANH HẢI |
Doanh nghiệp, người dân chưa hết lo
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), cho biết, trong năm 2023, có xấp xỉ 500.000 xe mới được miễn đăng kiểm lần đầu theo Thông tư 02. Đồng thời, sẽ có hơn 3,2 triệu trong số 5 triệu ô tô trong cả nước sẽ được kéo giãn chu kỳ kiểm định, mang lại nhiều lợi ích về tiền bạc, thời gian, công sức cho người dân và doanh nghiệp. Phản hồi thắc mắc là các phương tiện sắp hết chu kỳ kiểm định có được tự động giãn chu kỳ hay không, ông Nguyễn Tô An cho biết, theo Thông tư 02, các xe đã kiểm định trước khi thông tư có hiệu lực đến hạn đăng kiểm vẫn phải mang xe đến trung tâm đăng kiểm để kiểm định. Sau khi xem xét hồ sơ, xác định phương tiện thuộc nhóm đối tượng nào, được áp dụng chu kỳ kiểm định tương ứng nào, trung tâm đăng kiểm sẽ cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho phương tiện theo quy định mới.
Ghi nhận tác động tích cực của Thông tư 02, tuy nhiên nhiều chủ doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện ô tô không khỏi băn khoăn khi số loại phương tiện giữ nguyên chu kỳ kiểm định, được giãn chu kỳ kiểm định rất ít. Ví dụ, ô tô chở người trên 9 chỗ có thời gian sản xuất trên 5 năm vẫn giữ chu kỳ kiểm định 6 tháng; ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng có thời gian sản xuất trên 15 năm chỉ được kéo giãn chu kỳ từ 3 tháng lên 6 tháng… Lý giải băn khoăn này, ông Nguyễn Tô An cho biết, đây là những nhóm phương tiện có tần suất sử dụng rất cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Thực tế cho thấy đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do xe chở khách, chở học sinh, công nhân… đã được sử dụng trên 15 năm, và hiện các nước trên thế giới vẫn siết chặt yêu cầu kiểm định với nhóm phương tiện này.
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp vận tải, Thông tư 02 chỉ giúp giảm tải được một phần nhỏ do xe mới không cần đăng kiểm. Các phương tiện đã kiểm định theo chu kỳ cũ vẫn phải đăng ký lại và với số lượng phương tiện này cũng phải mất khoảng 1 năm mới kiểm định hết. Bên cạnh đó, chu kỳ đăng kiểm giãn nhưng thực tế lượng xe vẫn tăng, thời gian đăng kiểm hết hạn thường xảy ra cùng đợt nên vẫn rơi vào tình trạng quá tải. Để giải quyết căn cơ tình trạng này, Bộ GTVT và bộ ngành liên quan cần có phương án mở lại các trung tâm đăng kiểm.
Phải đảm bảo an toàn phương tiện
Thông tư 02 có 2 nội dung đáng chú ý là: miễn kiểm định lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng và giãn chu kỳ đăng kiểm đối với một số loại phương tiện. Việc điều chỉnh này được khẳng định vẫn đảm bảo an toàn phương tiện.
Xe chưa qua sử dụng có năm sản xuất đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định là dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm) và có đủ hồ sơ hợp lệ sẽ được miễn đăng kiểm. Các phương tiện này được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.
Ô tô chở người dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải được miễn chu kỳ đăng kiểm đầu tiên và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng. Thời gian sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ đăng kiểm tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm) thì chu kỳ giữ nguyên 12 tháng; trên 20 năm thì chu kỳ giữ nguyên 6 tháng.
NHÓM PV
----------------------------
Cần trách nhiệm từ nhiều phía
Mặc dù Thông tư 02/2023/TT-BGTVT của Bộ GTVT được cho là sẽ có tác động mạnh đến hoạt động đăng kiểm, từng bước giải quyết tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm hiện nay, tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng còn những vấn đề tồn tại cần giải quyết.
Theo ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT, việc điều chỉnh quy định đăng kiểm nằm trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của Bộ GTVT. Còn để củng cố, kiện toàn và đổi mới hoạt động lĩnh vực đăng kiểm, Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan tập trung, khẩn trương soạn thảo, đề xuất sửa đổi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Trong đó, các nội dung trọng tâm sẽ là tách bạch công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của lĩnh vực đăng kiểm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa các hành vi tiêu cực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng dịch vụ; đảm bảo cạnh tranh lành mạnh của các đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm... Đặc biệt, việc đề xuất sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP cũng sẽ nghiên cứu một số nội dung mới như cho phép các trung tâm đăng kiểm của lực lượng công an, quân đội và các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô được phép cung cấp dịch vụ kiểm định xe ô tô.
Không chỉ Bộ GTVT, mà theo đánh giá của các chuyên gia, để phương tiện tham gia giao thông đảm bảo an toàn, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, cần trách nhiệm từ nhiều phía. Trong đó, các bộ ngành liên quan như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ GTVT trong việc cập nhật, sửa đổi các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đăng kiểm nói riêng, lĩnh vực giao thông nói chung để đảm bảo về nhân lực, cơ chế vận hành các trung tâm đăng kiểm, đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Đặc biệt, Bộ Công an cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ GTVT, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực giao thông, nhất là đối với các vi phạm về cơi nới thành, thùng xe, chở quá tải. Có như vậy, mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn giao thông mới có thể đạt được.
MINH DUY