- Nga thất vọng về Mỹ và EU trong vấn đề Iran
Theo công bố của một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ thực hiện tại 22 nước, đa số người dân tại nhiều quốc gia phương Tây và Hồi giáo sẵn sàng cân nhắc hành động quân sự chống Iran để ngăn ngừa nước cộng hòa Hồi giáo này sở hữu vũ khí hạt nhân.
Người Mỹ nằm trong số nhóm nước ủng hộ lựa chọn quân sự chống Iran mạnh mẽ nhất khi 66% người phản đối một Iran vũ trang hạt nhân, chỉ sau người Nigeria với 71%. Trong cộng đồng Hồi giáo, tỷ lệ ủng hộ tiến hành hành động quân sự nhằm ngăn cản Iran sở hữu vũ khí hạt nhân ở Ai Cập là 55%, Jordan là 53% và Lebanon là 44% trong khi số người được hỏi phản đối hành động quân sự là 37%...
Cuộc thăm dò được tiến hành gần như đồng loạt với quyết định áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Iran của các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU). Quyết định này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Mỹ liệt thêm các cá nhân và công ty của Iran vào danh sách đen và một tuần sau khi Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ) áp đặt lệnh trừng phạt thứ tư đối với Iran do nước này từ chối ngừng các hoạt động hạt nhân.
Thời điểm Trung tâm Nghiên cứu Pew đưa ra kết quả cuộc thăm dò dư luận toàn cầu trên cùng lúc với những biện pháp siết chặt chống Iran đang khiến nhiều người tự hỏi: “Đây có phải là một trong những bước đi để mở đường khả năng tấn công quân sự Iran?”. Dựa vào tin tức tình báo Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates mới đây tuyên bố Iran có thể phát động một cuộc tấn công nhằm vào châu Âu với hàng chục hoặc hàng trăm tên lửa. Tuyên bố này cũng được nhận định là bước “hợp thức hóa” việc hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu với lý do để bảo vệ binh lính, các căn cứ, cơ sở và đồng minh của mình ở châu Âu, bất chấp sự phản đối tiềm tàng từ Mátxcơva…
Trong khi đó, những rạn nứt giữa các thành viên HĐBA LHQ về vấn đề Iran đã bắt đầu xuất hiện khi Mỹ và EU tăng cường các biện pháp cấm vận Iran bên cạnh các biện pháp của HĐBA LHQ. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 17-6 đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt riêng rẽ chống Iran của Mỹ và châu Âu, khẳng định các cường quốc thế giới nên “hành động tập thể” chứ không phải đơn phương đưa ra quyết định.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Nhật báo Phố Wall, ông Medvedev cho rằng một vài năm trước “sẽ là không thể” có việc Nga ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn của HĐBA LHQ về chương trình hạt nhân của Iran, như nước này đã làm trong tuần qua. Ông cũng bày tỏ quan ngại rằng các biện pháp trừng phạt mới có thể phương hại tới nhân dân Iran. Phát biểu của Tổng thống Medvedev cho thấy Nga đã thất vọng với sự trở mặt của Mỹ và EU cũng như việc lợi dụng HĐBA LHQ để phục vụ cho mục đích của họ tại Iran.
X.Hạnh