Định rõ địa chỉ trách nhiệm khi trình dự án luật

Ngày 15-4, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị diễn ra đến ngày 17-4.

Ngày 15-4, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị diễn ra đến ngày 17-4.

Chỉ quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Trong phiên họp đầu tiên, hội nghị đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý báo cáo về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật (sửa đổi). Theo ông Phan Trung Lý, qua nghiên cứu ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi điều chỉnh của luật là điều chỉnh việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), đồng thời đổi tên là Luật Ban hành VBQPPL. Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến đồng tình với đề nghị này.

Trong số những vấn đề cụ thể, nhiều ĐB quan tâm cho ý kiến về thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp xã. Trong khi các ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đồng tình với đề nghị bỏ thẩm quyền này thì các ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách… lại có ý kiến khác. “Không thể lấy lý do cấp xã hay sao chép văn bản cấp trên hoặc ban hành văn bản trái với quy định của văn bản cấp trên mà bác quyền của họ được”, ông Đồng Hữu Mạo nói. Đây cũng là quan điểm của ĐB Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM. Ông nói: “Chúng ta đang mong muốn phát huy dân chủ cơ sở. “Lệ làng”, nếu không trái phép vua, có giá trị rất lớn, tại sao lại bỏ đi?”. Có quan điểm tương tự, nhưng với tinh thần thận trọng, ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và nhiều ý kiến khác đề nghị giới hạn chính quyền cấp xã chỉ ban hành VBQPPL trong một số lĩnh vực nhất định.    

Số lượng thứ trưởng tối đa là 5

Chiều 15-4, hội nghị tiếp tục với nội dung xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi. Theo báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày tại phiên họp, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị bổ sung một số nội dung quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ; trong đó có quy định về trách nhiệm báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước và nhân dân.

Về sự phân cấp giữa Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương; UBTVQH cho rằng, việc phân cấp giữa Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương là cần thiết để bảo đảm hiệu quả của quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nội dung phân cấp cho địa phương theo các lĩnh vực cụ thể rất đa dạng, phong phú, phải do các luật chuyên ngành quy định. Trong Luật Tổ chức Chính phủ, vấn đề phân cấp chỉ quy định mang tính nguyên tắc.

Về số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị quy định rõ “số lượng tối đa thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ là 5, trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; số lượng cấp phó của tổng cục tối đa là 4; số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra, cục và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3. Tại phiên họp, nhiều ý kiến ghi nhận dự thảo luật đã có sự chỉnh lý, bổ sung hợp lý. Tuy nhiên, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) chỉ ra rằng, trong điều khoản quy định về nhiệm vụ của Thủ tướng chưa nêu rõ trách nhiệm về đấu tranh phòng chống tham nhũng. Ông Nam nói: “Nhân dân rất mong đợi Thủ tướng chỉ đạo phòng chống tham nhũng lãng phí thật hiệu quả”.

Cho ý kiến về dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt lưu ý đến yêu cầu xác định rõ địa chỉ trách nhiệm. “Dù đã tiếp thu, chỉnh lý nhưng ngay cả trong dự thảo này, vấn đề trách nhiệm cũng chưa được thể hiện rõ. Cần phải phân định hai loại trách nhiệm: trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân. Với cấp phó thì trách nhiệm trước cấp trưởng và trách nhiệm cá nhân”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, dự thảo luật vẫn chưa cụ thể hóa những tiêu chí để đánh giá trách nhiệm của các chức danh thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một vị bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về mọi quyết định mà mình ký ban hành; dù là do thứ trưởng tham mưu; trong khi vị thứ trưởng thì phải chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về đề xuất của mình...

ANH THƯ 

Tin cùng chuyên mục