Phản hồi việc Vietcombank bán giá 17.500 đồng/USD

Do mua theo thỏa thuận, ngân hàng làm trung gian

Về thông tin các doanh nghiệp nhập khẩu phản ứng vì phải mua USD chuyển khoản thanh toán nước ngoài với giá 17.500 đồng/USD - cao hơn giá “chợ đen”, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) khẳng định, nếu các chi nhánh ngân hàng bán USD cho doanh nghiệp với giá 17.500 đồng/USD là sai, vì buộc phải bán đúng giá niêm yết.

Còn Giám đốc Chi nhánh Vietcombank Phú Thọ Nguyễn Tiến Quản (nơi bán USD cho doanh nghiệp với giá 17.500 đồng/USD mà Báo SGGP nêu trong số báo ra ngày 29-5) thì giải thích: Giá cao là do doanh nghiệp mua theo thỏa thuận, bởi vì ngân hàng không có USD để bán cho doanh nghiệp. Vì vậy, nếu doanh nghiệp có nhu cầu thì ngân hàng ký hợp đồng bán ngoại tệ bằng cách phải quy đổi ra đồng euro (hiện giá đồng euro đang tăng cao) rồi quy ngược trở lại đồng USD chứ không bán thẳng bằng USD, nên giá cao.

Ngoài ra, nếu các doanh nghiệp có nhu cầu mua USD thì phải mua theo thỏa thuận, thông qua một doanh nghiệp khác có nhu cầu bán và ngân hàng chỉ giữ vai trò trung gian. Ông khẳng định, đó là cách mà tất cả các ngân hàng đều sử dụng để đáp ứng nhu cầu mua USD thanh toán của doanh nghiệp trong điều kiện ngân hàng không đủ USD để bán cho khách hàng.

Trao đổi với chúng tôi, một số doanh nghiệp bày tỏ sự bức xúc vì từ trước đến giờ khi doanh nghiệp cần mua USD để thanh toán hợp đồng mua bán nước ngoài (chứng minh được đầy đủ các loại giấy tờ) thì sẽ được ngân hàng bán USD với giá niêm yết chính thức. Đây là lần đầu tiên họ phải ký hợp đồng thỏa thuận lòng vòng (mua ngoại tệ khác rồi chuyển về USD) theo giá thị trường, khiến giá USD cao hơn cả ngoài thị trường tự do.

Doanh nghiệp cũng bày tỏ sự khó hiểu khi trước đó 1 ngày, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Quang Huy trả lời với báo chí rằng: Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại tệ để đảm bảo duy trì tỷ giá ở mức ổn định hợp lý, theo sát cung-cầu thực tế trên thị trường này, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đủ khả năng can thiệp để tỷ giá không có biến động lớn, gây xáo trộn hoạt động của các tổ chức tín dụng, các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp.

Như vậy, câu hỏi được dư luận đặt ra là đến khi nào Ngân hàng Nhà nước mới cung đủ lượng ngoại tệ cho các ngân hàng để ngân hàng có USD cung ứng cho các doanh nghiệp theo giá niêm yết? 

H.NI

Tin cùng chuyên mục