Đô thị hóa có trọng tâm, bước đi cụ thể

Việc chuyển đổi huyện thành quận cần có bước đi cụ thể trên cơ sở đánh giá nguồn lực thực hiện, hạn chế đến mức tối đa tác động tiêu cực tới cuộc sống người dân. Đây là khuyến nghị từ ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TPHCM, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.
ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TPHCM, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM

Phóng viên: Thưa ông, với diện tích hiện hữu của các huyện như hiện nay thì sau khi được chuyển đổi lên quận (hoặc thành phố thuộc TPHCM) cộng với diện tích đô thị hiện hữu, TPHCM sẽ trở thành siêu đô thị… Ở góc độ chuyên môn, ông nghĩ sao về mô hình này?

Ông HOÀNG MINH TRÍ: Đô thị hóa là quá trình tất yếu tại một đô thị năng động bậc nhất nước như TPHCM. TPHCM cũng đã tính toán lợi ích kinh tế từ việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đô thị hoặc công nghiệp. Ở nhiều nước như Nga, Mỹ… cũng có các siêu đô thị, nhưng đó là một cụm các đô thị bao gồm đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội ở các đô thị vệ tinh được xây dựng hoàn chỉnh như ở đô thị hạt nhân và chúng có thể là các đô thị chuyên biệt như công nghệ cao, đại học hoặc gánh vác một số chức năng cho đô thị chính nếu đô thị chính đã quá tải. Các đô thị này kết nối với nhau bằng các tuyến quốc lộ hoặc vận tải công cộng khối lượng lớn như metro, tuyến buýt nhanh (BRT). Và khoảng cách giữa các đô thị này là mảng xanh hoặc các khu đất nông nghiệp có trồng trọt, chăn nuôi. Được thiết kế hài hòa, cân đối giữa phát triển và gìn giữ không gian xanh như vậy nên nhiều siêu đô thị đã phát triển rất bền vững. TPHCM có thể tham khảo các mô hình này.

Nhưng các huyện được Sở Nội vụ đề xuất lên quận có địa giới hành chính sát với khu đô thị hiện hữu của thành phố, làm sao có thể nghiên cứu mô hình siêu đô thị như ông nói?

Ngày 25-5-2016, UBTV Quốc hội khi ban hành Nghị quyết 1210 về Phân loại đô thị có đưa ra các tiêu chí rất cụ thể để xếp loại đô thị cũng như các tiêu chí để chuyển đổi các khu vực nông nghiệp lên đô thị. Căn cứ vào các tiêu chí này, Sở Nội vụ TPHCM đã có đánh giá mức độ đạt “chuẩn lên đô thị” của từng huyện. Ví dụ như huyện Hóc Môn đạt 6/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 21/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng; huyện Bình Chánh đạt 6/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 18/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng…

Tuy nhiên, theo tôi được biết, đó là cách tính bình quân. Trên thực tế, cơ bản chỉ có các khu vực thị tứ, thị trấn, các điểm đầu mối giao thông của các huyện trên đạt được các tiêu chí đó. Ở những khu vực sâu, xa… giao thông đi lại còn khó khăn, lạc hậu. Do đó, để vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vừa còn đất cho không gian xanh thì chỉ nên xem xét, ưu tiên cho “lên quận” trước ở những khu vực này. Phần còn lại, tạo điều kiện cho bà con phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao hoặc xây dựng nhà vườn, làm du lịch sinh thái, phát triển mảng xanh. Đi từng bước như thế cộng với việc cân đối nguồn lực thực hiện sẽ đảm bảo triển khai thực hiện quy hoạch khả thi hơn. 

Đô thị hóa có trọng tâm, bước đi cụ thể ảnh 2 Khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Nhưng tâm lý nhiều người vẫn thích khu vực của mình được “lên quận”?

Tại nhiều khu vực của quận 7, quận 12 hay TP Thủ Đức dù đã được chuyển đổi lên quận từ hơn 20 năm nay song thực chất vẫn là “huyện” chứ chưa phải là “quận” theo đúng nghĩa. 

Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn, để người dân an tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch nông trại… qua đó giữ vùng đệm xanh cho thành phố, thành phố phải có cơ chế chính sách phát triển đồng bộ cho cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn một cách hợp tình, hợp lý. Lúc đó, chắc chắn sẽ không còn nhiều người thích lên… quận.

Xin cám ơn ông!

Tin cùng chuyên mục