Đảng ta xác định đoàn kết thống nhất là một nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, là sinh mệnh của Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng.
Xử lý nghiêm những người có khuyết điểm
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần bàn về đoàn kết thống nhất trong Đảng và thường nhấn mạnh, đoàn kết thống nhất trong Đảng có nghĩa là trong Đảng không có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”; Đảng tuy nhiều người nhưng khi tiến đánh chỉ như một người; trong Đảng không có tình trạng kèn cựa địa vị, nói xấu lẫn nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đoàn kết thống nhất là nguồn gốc của sức mạnh, là then chốt của thành công. Trong Di chúc của mình, Người căn dặn: “Từ Trung ương đến chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp bài hát Kết đoàn tại dạ hội của thanh niên thủ đô Hà Nội chào mừng thành công Đại hội lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam và Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 9-1960)
Ngay từ Đại hội IX, Đảng ta đã yêu cầu: “Từng đảng bộ giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong tập thể lãnh đạo. Đối với những cấp ủy, tổ chức đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, cán bộ lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, kéo bè, kéo cánh, gây mất đoàn kết nội bộ, cấp ủy cấp trên phải chỉ đạo kiểm điểm làm rõ đúng sai, xử lý nghiêm những người có khuyết điểm”.
Những năm gần đây, trước những tác động ngày càng khốc liệt của kinh tế thị trường, một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao có xu hướng chạy theo chủ nghĩa cá nhân; một số tổ chức đảng có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, chưa tôn trọng và thực hiện chưa đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc tự phê bình và phê bình có nơi trở nên hình thức, có nơi bị lợi dụng để đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Bên cạnh đó, những biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, “lợi ích nhóm”, tính cục bộ địa phương có nơi đã xuất hiện và phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Chọn người đứng đầu có đủ phẩm chất
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ những hạn chế: “Còn tình trạng dân chủ hình thức, thống nhất một chiều, thiếu sự tranh luận, thảo luận thấu đáo hoặc hiểu không đúng nguyên tắc này, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ ở một số nơi”.
Những nguyên nhân của hạn chế đã được chỉ ra rất cụ thể từ tư duy về công tác xây dựng Đảng chậm đổi mới; việc tổ chức thực hiện nghị quyết, chủ trương về xây dựng Đảng chưa nghiêm; nhiều cấp ủy và người đứng đầu chưa quan tâm đầy đủ đến công tác xây dựng Đảng… Đặc biệt, Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trong việc thực hiện đoàn kết thống nhất chính là: “Nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc, có mặt chưa rõ, chưa thống nhất một số vấn đề quan trọng ở tầm quan điểm, chủ trương”.
Để xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng theo tinh thần Đại hội XII của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi hỏi các cấp ủy và mỗi đảng viên cần nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm trong công việc và lối sống trên tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau. Xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, bởi đây là cơ sở quan trọng nhất để xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng. Thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, chăm lo củng cố tình đồng chí trong Đảng, chống chủ nghĩa cá nhân.
Đặc biệt, phải lựa chọn, bố trí người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, có vai trò tiên phong, gương mẫu. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thực sự công bằng, công tâm trong xử lý công việc, phải thực sự là trung tâm quy tụ, đoàn kết của tổ chức đảng, của tập thể cơ quan, đơn vị. Phát hiện sớm và tập trung xử lý dứt điểm tình trạng mất đoàn kết từ khi những biểu hiện này mới manh nha. Cảnh giác và đấu tranh không khoan nhượng trước việc lợi dụng những mâu thuẫn trong nội bộ Đảng để khuấy rối, kích động, chống phá, phá hoại khối đoàn kết thống nhất trong Đảng.