Doanh nghiệp còn dè dặt trong chi tiêu cho chuyển đổi số

Theo thống kê mới nhất, chi cho hoạt động R&D của Việt Nam năm 2018 chỉ bằng 0,4% GDP so với con số 3,3% của Nhật Bản, 2,2% của Singapore, 2,1% của Trung Quốc. Tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam chỉ chiếm 22% so với 34% của Indonesia, 62% của Thái Lan.
Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp” diễn ra sáng nay, 24-9, tại Bộ KH-ĐT, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH-ĐT chỉ rõ, theo thống kê mới nhất, chi cho hoạt động R&D trong tương quan của Việt Nam năm 2018 chỉ bằng 0,4% GDP so với con số 3,3% của Nhật Bản, 2,2% của Singapore, 2,1% của Trung Quốc.

Trong khi chuyển đổi số trong doanh nghiệp được coi là một hợp phần quan trọng trong kế hoạch hành động nhằm thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hiện vẫn còn những rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

“Chi tiêu cho nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn thấp và chưa thực chất. Chi cho hoạt động R&D trong tương quan của Việt Nam năm 2018 chỉ bằng 0,4% GDP so với con số 3,3% của Nhật Bản, 2,2% của Singapore, 2,1% của Trung Quốc. Tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam chỉ chiếm 22% so với 34% của Indonesia, 62% của Thái Lan”, bà Bùi Thu Thủy dẫn chứng.

Vẫn theo chuyên gia này, chi phí lao động ở Việt Nam còn thấp là một trở ngại cho việc thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, năng lực công nghệ còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp, cá nhân sở hữu các bằng sáng chế công nghệ, chủ yếu sử dụng các công nghệ sẵn có của nước ngoài để tùy biến, phát triển.

Hành lang chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính phủ điện tử, các giao dịch, thủ tục hành chính trên nền tảng số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đây cũng là các thách thức, hạn chế cho doanh nghiệp khi xác định chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số (tiêu chuẩn công nghệ, giao dịch thương mại điện tử, chứng thực số, thuế, hải quan...).

Bà Thủy cũng cho biết, năm 2022, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng và các địa phương cũng dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và tuần hoàn. Đây là những tiền đề và nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của mình trong tình hình mới, nhưng tất nhiên, chỉ mới là “vốn mồi”, còn lâu mới đáp ứng được yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục