Tại hội thảo “Đổi mới sinh thái dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, tiến sĩ Nguyễn Văn Hợp, giảng viên Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam, cho biết đổi mới sinh thái là tạo ra một hình thức kinh doanh theo hướng “xanh hóa”. Nó vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo thân thiện với môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn lực sinh thái tự nhiên.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hợp cũng đưa ra một giải pháp mới dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đó là giải pháp “Đổi mới sản phẩm bền vững - SPIN”. Yêu cầu của giải pháp này đó là sản phẩm phải thân thiện với môi trường, không gây độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng và đặc biệt là những sản phẩm này phải có tiềm năng tiêu thụ tốt trên thị trường. Giải pháp SPIN được đúc kết từ những kinh nghiệm trong dự án “Đổi mới sản phẩm bền vững” do Liên minh châu Âu tài trợ và được triển khai tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Các doanh nghiệp áp dụng giải pháp này sẽ có được một mô hình tổ chức phát triển bền vững theo hướng bồi dưỡng nhân lực nhân tài, sản phẩm được sản xuất bền vững với thiết kế “xanh” và tối ưu hóa khâu vận chuyển, tiếp thị tập trung vào những điểm khác biệt.
H.HẠNH
Nhật Bản và TPHCM hợp tác nhiều dự án tiết kiệm năng lượng
Ông Toshihiko Kasai, Tổng Giám đốc Bộ phận xúc tiến Cơ chế Kyoto (trực thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản) cho biết, với sứ mệnh phát triển các công nghệ cacbon thấp làm giảm phát thải các khí thải gây hiện tượng trái đất nóng lên, Chính phủ Nhật Bản luôn muốn hỗ trợ một cách tích cực nhất để Việt Nam tiếp cận với những công nghệ hiệu quả về mặt năng lượng và môi trường. Trong quá trình hợp tác giữa Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM (ECC-HCMC) và Nhật Bản đã có nhiều dự án mang lại kết quả khả thi. Đơn cử như dự án xe máy điện mà Chính phủ Nhật Bản phối hợp cùng ECC-HCMC. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sử dụng xe máy điện có thể giúp tiết kiệm đến 90% chi phí năng lượng so với sử dụng xe máy chạy xăng. Theo đó, nếu như xe máy chạy xăng tiêu thụ trung bình 40km/lít với chi phí khoảng 544,7 đồng và thải ra môi trường 2.297kg CO2/lít thì xe máy điện chỉ tốn 43,1 đồng cho 1km với hiệu quả năng lượng trung bình là 29km/kWh và thải ra 0,5764kg CO2 (tính theo lượng điện dùng sạc pin). Dự án “Chương trình hành động sinh thái” được triển khai sẽ trang bị cho doanh nghiệp cách quản trị, đo lường, tính toán và thấy được lộ trình cắt giảm khí thải. Chẳng hạn, nếu khách sạn thay thế hệ thống vòi sen thế hệ cũ với lưu lượng nước tiêu tốn 10 lít/phút bằng loại vòi tắm công nghệ mới (sử dụng cơ chế hòa trộn các bọt khí nhỏ vào trong nước làm cho người sử dụng vẫn tận hưởng đầy đủ xung lực của nước) sẽ giúp tiết kiệm đến 35% lượng nước sử dụng.
M.VĂN
Hơn 300 doanh nghiệp giới thiệu công nghệ tiên tiến về ngành nhựa
Vừa qua, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (quận 7, TPHCM) đã diễn ra triển lãm “Ngành nhựa và đóng gói năm 2014”. Triển lãm đã thu hút hơn 300 doanh nghiệp của 23 quốc gia tham gia. Các sản phẩm được trưng bày đều liên quan trực tiếp đến ngành đóng gói bao bì, tái chế nguyên liệu, ứng dụng kỹ thuật trong ngành nhựa, công nghiệp thực phẩm, giải pháp bao bì sạch trong thực phẩm bằng công nghệ mới. Theo Vietrade, Cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam, ngành sản xuất nhựa đang phát triển 20% - 25%/năm và là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất Việt Nam. Theo kế hoạch được Bộ Công thương phê duyệt, ngành nhựa đặt mục tiêu tăng giá trị sản phẩm ngành lên 78,5 ngàn tỷ đồng đến năm 2015. Theo ông Gernot Ringling, Giám đốc điều hành Công ty Messe Dungsseldorf Asia, với bối cảnh môi trường kinh doanh đang được cải thiện tốt trong ngành nhựa trên thế giới cũng như những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm nhựa công nghệ cao, Việt Nam dự đoán sẽ tăng giá trị hàng sản xuất lên cao và sẽ tăng sản lượng đầu ra lên hơn 995.000 tấn nhựa trong vài năm tới.
MINH HẢI