(SGGP).- Ngày 26-5, Bộ Công thương tổ chức hội thảo trao đổi, thảo luận tình hình thực hiện Thông tư 37/2015/TT-BCT, quy định về mức giới hạn và kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.
Theo Tổng Công ty May Nhà Bè, lô hàng mẫu nhập về dù giá trị không lớn nhưng để được thông quan, doanh nghiệp vẫn phải gửi đi kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm, sau đó phải chờ rất nhiều thời gian để lấy kết quả mới nhận được hàng. Đại diện Công ty May 10 cũng đề nghị Bộ Công thương bỏ quy định phải lấy mẫu kiểm tra hàm lượng formaldehyt với đơn hàng mẫu số lượng nhỏ. Dù Thông tư 37 ban hành năm 2015 đã sửa đổi nhưng vẫn chưa rõ ràng để doanh nghiệp và hải quan thực hiện thống nhất. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần đưa việc kiểm tra mẫu ra khỏi quy định của thông tư “chứ không phải rút ngắn thời gian là bao lâu”. Vì mẫu không có mục đích thương mại, không ảnh hưởng gì đến người tiêu dùng, mất mấy ngày để làm các thủ tục.
Trong một văn bản kiến nghị trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đề xuất, Bộ Công thương rà soát, sửa đổi Thông tư 37 vì có nhiều nội dung quy định không rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện, mà người chịu thiệt chính là doanh nghiệp. Ngoài ra, Thông tư 37 chưa thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 19 về “cải cách toàn diện các quy định về môi trường kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm”.
Trước những kiến nghị nêu ra, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) cho biết, sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp để trình lãnh đạo Bộ Công thương xem xét và chỉnh sửa Thông tư 37 cho phù hợp với thực tiễn.
HÀ MY