Doanh nghiệp Nhà nước sẽ bị giám sát tài chính đặc biệt khi có dấu hiệu mất an toàn tài chính

* Giám sát tài chính Tổng công ty Lương thực Miền Nam

(SGGPO). – Chính phủ vừa ban hành Nghị định 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Hai dấu hiệu mất an toàn tài chính

Theo đó,  DNNN có thể sẽ bị giám sát tài chính đặc biệt khi có dấu hiệu mất an toàn tài chính. Hai dấu hiệu mất an toàn tài chính của doanh nghiệp bao gồm, thứ nhất đối với doanh nghiệp đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh năm báo cáo lớn hơn 30% so với mức lỗ kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thứ hai, đối với doanh nghiệp sau giai đoạn lỗ kế hoạch, lỗ hai năm liên tiếp trở lên; doanh thu thuần hoặc lợi nhuận gộp giảm liên tiếp 2 năm trở lên; có hệ số tín nhiệm thấp theo xếp hạng của các tổ thức xếp hạng tín dụng; không tiến hành báo cáo tài chính, hoặc có ý kiến không chấp nhận, ý kiến từ chối trong Báo cáo kiểm toán, hoặc có ý kiến ngoại trừ trong Báo cáo kiểm toán trong 2 năm liền về cùng một vấn đề có ảnh hưởng chính tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp có một trong các dấu hiệu trên, cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính cùng cấp phối hợp xem xét dấu hiệu mất an toàn tài chính, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp để quyết định đưa doanh nghiệp vào diện giám sát tài chính đặc biệt hay tiếp tục giám sát tài chính.

Nghị định cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Hội đồng thành viên (Chủ tịch công ty), Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp thuộc diện giám sát tài chính đặc biệt. Cụ thể, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp thuộc diện giám sát tài chính đặc biệt phải lập phương án khắc phục, phương án cơ cấu lại tổ chức, hoạt động kinh doanh và tài chính để trình cơ quan đại diện chủ sở hữu trong thời gian 30 ngày kể từ ngày có Quyết định giám sát tài chính đặc biệt. Bên cạnh đó, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan tài chính theo tần suất đã thống nhất với cơ quan đại diện chủ sở hữu về các chỉ tiêu giám sát được phê duyệt trong phương án khắc phục, phương án cơ cấu lại tổ chức, hoạt động kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

Về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Nghị định quy định Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện việc giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp của các cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp thực hiện bằng phương thức giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp, giám sát trước, giám sát trong, giám sát sau, trong đó tập trung việc giám sát trước và giám sát sau. Quý IV năm trước, Bộ Tài chính lập kế hoạch giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, công bố trước ngày 31-1 hàng năm. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện Kế hoạch giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp đã được công bố.

Trường hợp phát hiện vi phạm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về phạm vi đầu tư vốn, trình tự, thủ tục và thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật.

* Trước đó, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có ý kiến về về việc giám sát tài chính năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ngay các biện pháp giám sát chặt chẽ đối với Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, đặc biệt là giám sát về tiêu thụ sản phẩm tồn đọng, thu hồi công nợ khó đòi, tái cơ cấu ngành nghề sản xuất kinh doanh (đặc biệt là ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản); công tác thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác theo tiến độ, đề án đã được duyệt và tăng cường quản lý vốn, tài sản và bảo toàn vốn Nhà nước tại Tổng Công ty theo quy định. Bên cạnh đó, chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực Miền Nam khẩn trương hoàn thành các thủ tục để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng Công ty theo quy định.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục