
Xây dựng môi trường phát triển toàn diện nguồn nhân lực, xây dựng cổng thông tin, chính sách hỗ trợ cho quá trình phát triển của các doanh nghiệp phần mềm (DNPM)… Đó là những ý kiến đã được đưa ra nhằm đóng góp tích cực cho hành trình mới của các DNPM trong hội thảo vừa được Bộ GD-ĐT và Bộ Bưu chính viễn thông (BCVT) phối hợp tổ chức.
Trường đại học + doanh nghiệp = Mô hình đào tạo hiệu quả
Trong 10 năm qua, các DN của nước ta bắt đầu chú trọng đến thị trường sản xuất phần mềm và đã đạt được những thành công ban đầu. Đối với Việt Nam, lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) hầu như còn rất mới và chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Để phát triển thị trường CNTT, đặc biệt đối với các DNPM trước hết phải có nguồn nhân lực.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nguồn nhân lực về CNTT ở nước ta hiện nay là tương đối ổn định. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bằng lòng với kết quả hiện tại. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty TMA, trình độ của sinh viên trong ngành CNTT có sự chênh lệch rất lớn.
Nhóm thuộc vào hàng “top” thì có trình độ vượt trội cả về kiến thức chuyên môn lẫn trình độ tiếng Anh. Môi trường học tập của sinh viên hiện nay còn hạn chế trong việc cọ xát với thực tế. Chính vì vậy một số DN đã thực sự vào cuộc. Sự kết nối giữa DN và các trường đại học đã tạo được những hiệu quả mới. Riêng Công ty TMA đã có 12 chương trình hợp tác với các trường đại học ở phía Nam và phía Bắc để cùng đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
Trước những hạn chế của ngành giáo dục, ông Nguyễn Trọng Đường (Vụ CNTT- Bộ BCVT) cho biết, vừa qua Bộ BCVT kết hợp với Bộ GD - ĐT lập chương trình quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT cho quốc gia. Một số DN mong muốn tự đứng ra thành lập trường đại học tư thục.
Nhưng trong thực tế tuyển sinh, các trường đại học tư thục gặp khó khăn về vấn đề thu hút sinh viên. Giải pháp tối ưu nhất hiện nay là sự kết hợp giữa DN và nhà trường trong đào tạo. Vấn đề đáng quan tâm mà ông Đường đưa ra là học phí khi liên kết đào tạo.
Mô hình này sẽ thành công đối với các trường tư thục vì việc điều chỉnh mức học phí cũng sẽ dễ dàng hơn nên thu hút được các DN tham gia. Đào tạo nguồn nhân lực là lâu dài nên nhà nước và DN phải cùng làm, đặc biệt sự liên kết giữa trường đại học và DN là rất cần thiết, góp phần chia sẻ những gánh nặng cho ngành giáo dục.
Xây dựng môi trường phát triển toàn diện
Trăn trở lớn nhất mà các DNPM đặt ra là phải làm gì để phát triển công nghiệp phần mềm. Chính vì vậy vai trò của Chính phủ trong quá trình hỗ trợ các DNPM phát triển là rất lớn. Theo ông Trần Ngọc Quang, Việt kiều Canada, cần có những chương trình hỗ trợ DNPM, đặc biệt hỗ trợ những điểm nào mà DN chưa làm được.
Một trong những khó khăn lớn nhất là làm sao để giảm giá cước đường truyền Internet (vì các công ty Việt Nam vẫn phải trả chi phí cao so với đối thủ cạnh tranh ở các nước); các chính sách ưu đãi về thuế đối với DNPM…
Bên cạnh đó các công ty ở Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cũng gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm thông tin về ngành phần mềm Việt Nam. Cần xây dựng và mở rộng cổng thông tin cho ngành phần mềm TPHCM bằng tiếng nước ngoài (Anh, Nhật…) để cung cấp thông tin về tiềm năng của chúng ta cho đối tác nước ngoài. Trong khuôn khổ nhất định, ComputerExpo, Chợ phần mềm Việt Nam - Sofmart, được tổ chức hàng năm là nơi quảng bá, kết nối DNPM với khách hàng, là dịp để khẳng định vị thế của phần mềm TPHCM trong khu vực.
DNPM của Việt Nam vẫn rất cần sự hỗ trợ của nhà nước. Vì theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Sở BCVT Hà Nội: Nhà nước không hỗ trợ cho DN thì không ai có thể làm được cả.
THÙY DUNG