Doanh nghiệp và trách nhiệm

Phát triển bền vững (PTBV), hiểu theo cách chúng ta đang hướng tới hiện nay là sự cân bằng giữa 3 vấn đề: tăng trưởng - bảo vệ môi trường - bảo đảm an sinh xã hội. PTBV sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (DN).

Phát triển bền vững (PTBV), hiểu theo cách chúng ta đang hướng tới hiện nay là sự cân bằng giữa 3 vấn đề: tăng trưởng - bảo vệ môi trường - bảo đảm an sinh xã hội. PTBV sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (DN).

Theo các chuyên gia, PTBV không chỉ là những hành động mà mọi người thường nghĩ tới trước tiên như không phá rừng, không xả nước thải ô nhiễm ra môi trường, không sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất thực phẩm… mà hiện hữu trong từng thói quen nhỏ của mỗi cá nhân trong DN, như tắt màn hình máy tính, tắt điện khi không sử dụng, tiết kiệm giấy in bằng cách hạn chế in ấn hay in hai mặt. Để làm được những điều này, DN chỉ cần đề ra các quy tắc, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hình thành thói quen ở mỗi thành viên, mà lợi ích thu được trước tiên chính là tiết kiệm chi phí cho DN. Khi nói đến PTBV là nói đến trách nhiệm với môi trường và xã hội. Phạm vi môi trường và xã hội đó trước tiên chính là môi trường mà DN đang tồn tại. Làm sao để người lao động có sức khỏe tốt, yên tâm phát triển nghề nghiệp, chính sách lương phù hợp, khoa học. Nhân sự phát triển ổn định và có chất lượng chính là cơ sở để DN tăng trưởng làm ra sản phẩm dịch vụ tốt, lợi nhuận cao. Và khi có lợi nhuận, DN sẽ có nhiều điều kiện để thực hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng.

TS Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương, cho biết, bảo đảm trách nhiệm với các vấn đề về môi trường, con người và xã hội là cốt lõi của sự PTBV mà bất kỳ DN nào cũng phải thực hiện. Hội nhập kinh tế thế giới đã và đang mở ra nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đem lại không ít thách thức cho DN Việt Nam. Bên cạnh các yếu tố chi phí, chất lượng và giao hàng, việc tuân thủ đúng các tiêu chuẩn xã hội và các thông lệ quốc tế đang dần trở thành giải pháp tối ưu trong duy trì và nâng cao sức cạnh tranh của DN. Các DN khi thực hiện tốt trách nhiệm của mình với xã hội sẽ có những quyền lợi như được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, DN, tổ chức phi Chính phủ và các tổ chức của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí hoạt động của DN; được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế, tiếp cận tín dụng, tiếp cận quyền sử dụng đất, các ưu đãi và hỗ trợ khác của nhà nước đối với DN. Mặt khác, chủ sở hữu DN sẽ được xem xét đặc cách trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan; được tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để DN hoạt động, phát triển một cách bền vững.

Có thể thấy rằng, các DN Việt Nam hiện nay dường như chưa thật sự chú trọng đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội và môi trường của mình. Vẫn biết lợi nhuận mới là mục đích tối thượng của một tổ chức kinh tế, nhưng thiết nghĩ đã đến lúc các DN Việt Nam quan tâm đến chất lượng tăng trưởng của mình. Hơn nữa, trách nhiệm xã hội và môi trường cũng đang trở thành một rào cản và yêu cầu kỹ thuật đối với các DN Việt Nam trong việc xuất khẩu và tìm kiếm đối tác, tài trợ. Do đó, bên cạnh việc mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận, mỗi DN phải chịu trách nhiệm về những hệ quả từ hoạt động của mình, phải tôn trọng khách hàng cũng như dân cư nơi DN hoạt động và trên hết, phải tôn trọng môi trường tự nhiên. Nếu không, những kết quả được tạo ra từ hoạt động kinh tế sẽ không thể nào bù đắp hết những tổn hại to lớn và lâu dài cho xã hội và môi trường.

HẢI HẠNH

Tin cùng chuyên mục