Năm nay, lễ hội được tổ chức gắn với nhiều hoạt động văn hóa dân gian phong phú, hấp dẫn, ý nghĩa như: Hội thi gói bánh chưng dâng thánh. Hội thi thu hút 120 cán bộ, hội viên phụ nữ, nông dân và đông đảo người dân các phường, xã trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh với 6 đội tham gia (theo điều lệ hội thi, trong thời gian 120 phút, mỗi đội thi phải hoàn thành gói 200 bánh chưng; nguyên liệu để gói bánh chưng từ lá dong, gạo nếp, nhân thịt lợn, hành và đậu xanh được các đội lựa chọn kỹ, chuẩn bị chu đáo.... Sau khi bánh chưng được gói, nấu chín, ban tổ chức hội thi sẽ căn cứ vào thời gian hoàn thành, kỹ thuật gói, chất lượng và hình thức để chấm điểm, đánh giá và trao giải thưởng cho các đội).
Lễ rước cấp thủy (thể hiện tín ngưỡng cầu nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn thuận lợi...); lễ rước bộ (lễ cung rước Quan Hoàng Mười vân du); nghi lễ kiệu thỉnh thập vị Hoàng tử Vương quan...
Tại lễ hội, còn có chương trình trình diễn "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" với sự tham gia của các nghệ nhân, thanh đồng, đạo quan đến từ các tỉnh, thành phố và của tỉnh Hà Tĩnh.


Theo tư liệu lịch sử, đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười được xây dựng cách đây trên 700 năm. Là ngôi đền lớn nhất trong vùng nên được gọi là đền Cả. Quan Hoàng Mười là tên gọi theo nhân vật thờ chính tại đền.
Đền được xây theo lối chữ “Nhất”; bao gồm: Hậu cung (hay còn gọi là cung cấm), nhà thượng điện, trung điện và hạ điện. Đền nằm trên vùng đất nơi giao nhau giữa ba con sông (sông Lam, sông La và sông Minh); được cả 3 dòng sông bồi đắp tạo nên thế đất như hình mỏ Hạc. Chính vì vậy, thường được nhân dân gọi là Mỏ Hạc Linh Từ.


Hàng năm, theo tục lệ của địa phương, để tưởng nhớ công lao của Đức quan Hoàng Mười và các vị thần được thờ tại đền, người dân trong vùng đã mở lễ hội để tôn vinh công trạng, đồng thời cầu cho đồng bào an lạc, mùa màng tốt tươi…



















![]() |