Độc đáo thành cổ Diên Khánh

Cuối năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định di dời các cơ quan hành chính, quân sự khỏi nội thành Diên Khánh để biến nơi đây thành phố đi bộ. Quyết định trên được sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân. Đây là ngôi thành cổ có kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn hiếm hoi của Việt Nam, bên cạnh thành cổ ở cố đô Huế và phần nào là Hoàng thành Thăng Long.
Độc đáo thành cổ Diên Khánh

Cuối năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định di dời các cơ quan hành chính, quân sự khỏi nội thành Diên Khánh để biến nơi đây thành phố đi bộ. Quyết định trên được sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân. Đây là ngôi thành cổ có kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn hiếm hoi của Việt Nam, bên cạnh thành cổ ở cố đô Huế và phần nào là Hoàng thành Thăng Long.

Cửa Đông với tấm bia lịch sử.

Một vùng thắng cảnh và di tích hội tụ hiếm có

Nếu như Nha Trang là thành phố du lịch biển thì Diên Khánh cũng thuộc tỉnh Khánh Hòa là vùng đất lịch sử ẩn chứa nhiều di tích và thắng cảnh núi sông kỳ vĩ, trong đó có ngôi thành cổ độc đáo được xây từ thời nhà Nguyễn, lưu giữ nhiều chiến tích của cha ông thời khẩn hoang và chống giặc ngoại xâm. Đến với Diên Khánh, chúng ta không chỉ được ngắm phong cảnh, chinh phục núi non mà còn khám phá nhiều bí ẩn lịch sử.

Địa danh Diên Khánh từ thời chúa Nguyễn là phủ, nay là một huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa, nằm sát phía Tây thành phố Nha Trang, cách thành phố trẻ Cam Ranh khoảng 35km về phía Bắc, có đường xe lửa và quốc lộ 1 chạy ngang qua.

Sông Cái Nha Trang còn gọi là sông Cù hay sông Phú Lộc là con sông lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, đoạn chảy qua Diên Khánh tạo nên nhiều cảnh đẹp thơ mộng. Dòng suối Tiên phát nguyên từ dãy núi Hòn Bà, uốn lượn quanh co trước lúc chảy xuống đồng bằng đã gặp một đập đá thiên nhiên chắn ngang tạo thành hồ Tiên kỳ thú. Dân gian kể rằng, xưa kia các nàng tiên thường giáng trần xuống đây tắm mát, nghỉ ngơi, múa hát. Hòn Bà với đỉnh núi cao nhất gần 1.600m, khí hậu quanh năm mát mẻ, cũng là nơi lý tưởng cho những du khách thích chinh phục đỉnh cao.

Trên bình nguyên của dãy Hòn Bà, trước đây bác sĩ Yersin từng dựng nhà, trồng cây canh-ki-na để làm thuốc. Rời núi non trở về đồng bằng, du khách sẽ bất ngờ gặp giữa ngã ba thành Diên Khánh cây dầu đôi - một gốc hai thân khổng lồ, với những cành lá xum xuê như những cánh tay to lớn vươn giữa không trung tỏa bóng xuống ngôi miếu cổ thờ Đại tướng Trịnh Phong anh hùng nằm uy nghi bên dưới…

Là vùng đất có bề dày lịch sử, Diên Khánh xuất hiện khá nhiều di tích thiêng liêng. Đầu tiên phải kể tới Văn miếu nằm ở ngay thị trấn Diên Khánh, được vua Gia Long ra chỉ dụ xây dựng từ năm 1803, để thờ những bậc tài năng, đỗ đạt, có nhiều cống hiến. Do lũ lụt gây sạt lở đất ven sông và chiến tranh tàn phá nên Văn miếu đã phải chuyển vị trí, xây dựng mới, hiện còn lưu giữ 2 tấm bia có giá trị từ thời vua Tự Đức năm thứ 11 (1858) của nhà Nguyễn.

Cũng tại thị trấn Diên Khánh, gần cây dầu đôi cổ thụ và miếu thờ Đại tướng Trịnh Phong, còn có đền thờ chí sĩ Trần Quý Cáp, nhà yêu nước lãnh đạo nhân dân chống Pháp trong phong trào Duy Tân, bị kẻ thù bắt chém đầu trên gò Chết Chém bên bờ sông Cạn. Khác với kiến trúc cổ của miếu thờ Trịnh Phong, đền thờ Trần Quý Cáp được xây năm Canh Tuất 1970 có cấu trúc cách điệu hiện đại trên nền truyền thống.

Đặc biệt, nếu như tỉnh Khánh Hòa có ba khu tưởng niệm bác sĩ lừng danh Alexandre Yersin thì riêng huyện Diên Khánh chiếm hai nơi, đó là phần mộ và nơi làm việc của ông ở xã Suối Cát, trước đây gọi là Suối Dầu. Gần 50 năm sống độc thân tại đây, nhà bác học lừng danh người Pháp đã dành trọn cuộc đời cho khoa học, nghiên cứu và chế tạo thành công thuốc chữa dịch hạch để cứu nhân loại thoát khỏi một căn bệnh hiểm nghèo.

Cửa Hậu.

Ngôi thành trấn giữ Nam Trung bộ

Ngay tại thị trấn Diên Khánh, cách trung tâm thành phố Nha Trang về phía Tây hơn 10km, sau khi ngắm cây cổ thụ dầu đôi một gốc hai thân, dâng hương Văn miếu và đền thờ các bậc tiền nhân Trịnh Phong, Trần Quý Cáp,… du khách sẽ đến với ngôi thành cổ có kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn hiếm hoi của Việt Nam, bên cạnh cố đô Huế và phần nào là hoàng thành Thăng Long.

Từ thời nhà Tây Sơn, lãnh tụ áo vải Nguyễn Huệ đã chọn Diên Khánh để đắp lũy xây thành trấn thủ cả vùng Nam Trung bộ và chi viện cho Nam bộ. Thế nhưng sau khi lập nhiều công tích đánh Nam dẹp Bắc thống nhất giang sơn, chẳng bao lâu hoàng đế Quang Trung đột ngột băng hà, nhà Tây Sơn dần suy yếu, chúa Nguyễn Ánh từ phía Nam hưng binh cùng với hai vị tướng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương đưa quân đánh chiếm Diên Khánh, xây dựng nơi đây một ngôi thành kiên cố phòng ngự từ xa, giao cho hoàng tử Cảnh và Bá Đa Lộc trấn giữ.

Được hoàn thành vào năm 1793, thành Diên Khánh nằm trên diện tích khoảng 36.000m2, là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến ở Tây Âu vào thế kỷ XVII, XVIII. Tiếp sau thành Gia Định, thành Diên Khánh là ngôi thành thứ hai kiểu Vauban được xây dựng ở nước ta. Với chu vi 2.693m, tường thành đắp bằng đất cao khoảng 3,5m, hình lục giác nhưng các cạnh không đều nhau, lại chia làm nhiều đoạn nhỏ uốn lượn, nên các góc thành không nhô hẳn ra mà vẫn có thể quan sát được hai bên. Tại mỗi góc bên trong thành được đắp một khoảng đất rộng dùng làm chỗ trú quân, đồng thời có một ụ đất cao khoảng 2m để đặt súng đại bác, gọi là “pháo đài góc”.

Tường thành có mặt ngoài gần như dựng đứng, còn mặt trong có độ thoải và được đắp thành hai bậc, tạo đường vận chuyển thuận lợi ven thành. Bên ngoài tường thành là hào nước sâu từ 3m - 5m, rộng từ 20m - 30m, hợp cùng với những hàng tre gai trên tường thành tạo nên hàng rào phòng ngự bao quanh bảo vệ thành theo truyền thống người Việt.

Theo sử liệu, thuở mới xây dựng xong, thành Diên Khánh có 6 cửa (cổng), nhưng 2 cửa Tả và cửa Hữu đã bị lấp năm 1823, đến nay chỉ còn 4 cửa Đông - Tây - Tiền (phía Nam) - Hậu (phía Bắc). Nếu đi từ hướng quốc lộ 1 thì du khách sẽ theo một con đường độc đạo vào cửa Đông xuyên thẳng qua cửa Tây. Ở bên ngoài thành còn có con đường chạy vòng nối cửa Tây với quốc lộ 1, có tên là Mã Xá. Cách cửa Tây khoảng 200m có một nhà thờ cổ kính mang tên Hà Dừa, được xây vào thập niên 1800, với gác chuông cao chót vót chứng kiến bao thăng trầm vùng đất này.

Bản đồ kiến trúc cho thấy, nội thành Diên Khánh vốn có nhiều công trình từng được xây dựng. Vừa qua khỏi cửa Tiền (cửa chính ở hướng Nam) dành riêng cho nhà vua, hoàng tộc và các đại thần là một cột cờ lớn, sau đó là hoàng cung xây theo kiểu Điện Thái Hòa ở Huế. Bên trái hoàng cung là dinh Tuần Vũ, dinh Án Sát, dinh Lãnh Binh và phía dưới là dinh quan Tham Tri. Ngoài ra, trong thành còn có một dãy nhà kho đồ sộ và một nhà lao xây tường đá cao kiên cố. Mọi công trình dinh thự, công sở đều lợp ngói âm dương.

Trải qua nhiều biến động do chiến tranh, các công trình nội thành Diên Khánh bị tàn phá, nhất là những thời kỳ nơi đây trở thành tổng hành dinh phong trào yêu nước Cần Vương của tỉnh Khánh Hòa và đặt Bộ Chỉ huy Mặt trận Nha Trang chống Pháp tái xâm lược, mà nhiều tướng lĩnh, nhà lãnh đạo cao cấp sau này từng trực tiếp cầm súng chiến đấu ở đây như: Hà Văn Lâu, Nam Long, Nguyễn Thế Lâm, Lư Giang, Hà Vi Tùng, Phan Hàm, Phan Hạo,… Từ đầu năm 1946, Tổng chỉ huy quân đội Võ Nguyên Giáp cũng đã từ Hà Nội vào đây để thị sát tình hình mặt trận.

Sau ngày đất nước thống nhất, thành cổ được trùng tu gìn giữ, mọc lên nhiều công trình mới làm công sở, trường học cho huyện Diên Khánh. Với quyết định đúng đắn của UBND tỉnh Khánh Hòa biến thành cổ thành phố đi bộ, hy vọng di tích này sẽ tiếp tục được phục dựng nguyên trạng, thu hút đông đảo du khách bốn phương.

Dạo quanh thành cổ, du khách vẫn thấy được dáng xưa độc đáo thể hiện trí tuệ, công sức và bàn tay tài hoa của cha ông. Trèo lên các cổng thành nhìn quanh bốn bề, dường như còn nghe vang vọng đâu đây bước chân tiền nhân một thời dựng và giữ nước.

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục