Tới năm 2050, nhu cầu năng lượng trên toàn cầu sẽ tăng 50%. Nhu cầu này tạo ra một sự mất cân bằng lớn giữa cung-cầu năng lượng. Sự mất cân đối này sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam khi nước ta được dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng sẽ tăng lên 15 lần.
Nguy cơ cạn kiệt nguồn cung
Theo Tổng cục Năng lượng Việt Nam, nguồn năng lượng hóa thạch của Việt Nam đang trở nên khan hiếm, các mỏ dầu và khí đốt đang dần cạn kiệt. Trong khi đó tình trạng lãng phí năng lượng trong sản xuất công nghiệp, xây dựng, dân dụng, giao thông vận tải… lại đang tăng nhanh. Cụ thể, hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy nhiệt điện đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được 28% - 32%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 10%. Hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60%, thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%. Từ hiệu suất sử dụng năng lượng thấp trên đã khiến năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm các ngành công nghiệp chính của nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Kết quả là làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các chuyên gia năng lượng khẳng định, nước ta sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng trước năm 2020 nếu không đảm bảo được kế hoạch khai thác các nguồn năng lượng nội địa hợp lý.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ và tiết kiệm năng lượng, Bộ Công thương cho biết, nếu căn cứ vào mức tiêu thụ hiện tại, nhu cầu năng lượng tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,5 lần vào năm 2015 và 5 lần vào năm 2025. Thực trạng này sẽ tác động nặng nề lên nền kinh tế quốc dân, làm phức tạp hiện tượng biến đổi khí hậu và gây suy giảm chất lượng môi trường. Ngoài ra, hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu năng lượng nhưng vị thế này sẽ nhanh chóng bị thay đổi khi nước ta nhập trở lại dầu thô, than nhằm đáp ứng duy trì hoạt động cho những nhà máy thủy điện lớn sẽ hoàn thành vào năm 2017. Còn về nguồn năng lượng điện, sự mất cân bằng trong cung cầu do thiếu hụt nguồn nước vào mùa khô sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng thiếu hụt nguồn điện cung ứng. Cộng với việc gia tăng mạnh mẽ nhu cầu tiêu thụ năng lượng điện trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt sẽ gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của ngành công nghiệp.
Sử dụng tiết kiệm - giải pháp bền vững
Chia sẻ về vấn đề này, ông Cù Huy Quang, chuyên gia tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào gồm than, dầu, khí đốt, thủy điện, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ khiến nhu cầu năng lượng tăng theo. Đã vậy, nguồn năng lượng tái tạo nước ta dồi dào nhưng cho đến nay vẫn chưa dự án nào có quy mô lớn được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Các nhà đầu tư trong lĩnh vực này hiện chưa mạnh dạn đầu tư do giá thành nguồn năng lượng sạch được thu mua còn quá thấp. Trong giai đoạn 2010 - 2020, Việt Nam xuất hiện sự mất cân đối cung cầu các nguồn năng lượng nội địa. Đến năm 2030, nước ta sẽ chuyển từ nước chuyên xuất khẩu năng lượng thành nước nhập khẩu năng lượng.
Để giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn năng lượng nhập khẩu, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần xây dựng những giải pháp tiếp cận thông minh để giúp các doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là ở các khu đô thị nhận thức, quản lý và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng một cách tích cực, hiệu quả. Trên thực tế, trong những năm qua, nước ta đã có nhiều chương trình hướng đến sử dụng nguồn năng lượng hợp lý, hiệu quả và đạt được một số thành công nhất định. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tiết kiệm 5% - 8% trong tổng lượng tiêu thụ năng lượng quốc gia tới năm 2015, bên cạnh sự hợp tác của các bộ, ngành liên quan cần phải có sự quyết tâm của các lãnh đạo ở mọi cấp bậc, cùng sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và sự đồng thuận của toàn dân. Ông Xavier Denoly, Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia chia sẻ, sử dụng năng lượng hiệu quả là giải pháp dễ thực hiện để tạo nên những thay đổi tích cực cho chất lượng môi trường sống, giảm áp lực năng lượng cho nền kinh tế. Về phía các đô thị, nhất là những khu vực đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… cần xây dựng mô hình thành phố thông minh với những hệ thống vận hành đô thị hiệu quả, giảm tình trạng ùn tắc giao thông; hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện công nghệ sản xuất để nâng hiệu suất sử dụng năng lượng.
Có thể thấy rằng, các nguồn năng lượng không tái tạo như than, dầu mỏ, khí đốt đã dần cạn kiệt và trở nên khan hiếm đang trở thành vấn đề nóng bỏng thu hút sự quan tâm không chỉ của riêng quốc gia nào. Do vậy, nếu mỗi quốc gia, mỗi người dân không có những biện pháp và động thái tích cực tiết kiệm nguồn năng lượng trên, chắc chắn trong tương lai không xa, tình trạng khủng hoảng năng lượng toàn cầu, trong đó có Việt Nam, sẽ trở nên trầm trọng hơn.
MINH HẢI