Đổi mới công tác thu hút cán bộ khoa học - công nghệ - Bài 1: Sức hút từ đô thị sáng tạo

LTS: Dân số TPHCM chỉ chiếm 10% cả nước nhưng đóng góp gần 25% GDP toàn quốc. TPHCM phải tiếp tục đi đầu về kinh tế, phải giữ năng suất lao động gấp 3 lần hoặc tăng hơn trong tương lai. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, để đáp ứng đòi hỏi này là không dễ dàng. Muốn tiếp tục đi đầu trong kinh tế thì tiền đề là đi đầu về chất lượng nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao về khoa học - công nghệ (KH-CN). 
Xưởng thực hành tự động hóa và triển khai dự án của JICA về khảo sát nhu cầu đào tạo công nghệ robot Nhật Bản  tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TPHCM
Chính sách thu hút cán bộ KH-CN ở TPHCM hình thành từ rất sớm và rõ nét nhất vào năm 2014, Ban Thường vụ Thành ủy đã có kết luận thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia KH-CN.

Trên cơ sở này, hàng loạt chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học của TPHCM ra đời đã thu hút đội ngũ đông đảo chuyên gia, các nhà trí thức cùng tham gia nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đóng góp nhiều giải pháp phát triển thành phố thông minh, sáng tạo.

Tha thiết với vi mạch

Tại Đại hội Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM, GS-TS Đặng Lương Mô vẫn nhiệt huyết đóng góp nhiều ý kiến cho việc phát triển công nghệ vi mạch. Rời Nhật Bản năm 2002, ở tuổi 66, GS-TS Đặng Lương Mô về quê hương bằng hành trang kỳ vọng: “Những gì tôi đã làm, đã thấy trong hơn 40 năm sống ở Nhật Bản đều đáng học hỏi để phát triển cho quê nhà”.

Và ông về công tác với Trung tâm Nghiên cứu thiết kế vi mạch (ICDREC - thuộc Đại học Quốc gia TPHCM). Có thể nói, GS-TS Đặng Lương Mô là một trong những người đầu tiên về Việt Nam từ chính sách thu hút cán bộ KH-CN ở TPHCM.

Ở ICDREC, GS-TS Đặng Lương Mô cùng các cán bộ trẻ nơi đây đặt những nền móng đầu tiên cho ngành vi mạch bán dẫn TPHCM. ICDREC đã có hàng loạt sản phẩm về vi mạch, như đã thiết kế và gửi chế tạo thành công chip vi điều khiển đầu tiên “Made in Vietnam” vào năm 2008, đặt tên là SigmaK3 ở công nghệ 0.25um.

Hay thiết kế và gửi sản xuất thành công chip vi xử lý VN8-01 vào năm 2009, đã được ứng dụng thực tế trong dự án chuyển giao công nghệ “Hệ thống kiểm soát và báo hiệu an toàn hàng hải” cho Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải 2. Kế tiếp các năm sau đó, ICDREC cho ra đời chip vi điều khiển 32 bit VN16-32; rồi chip vi điều khiển 32 bit công suất thấp VN1632LP, được cải tiến với nhiều tính năng vượt trội.

Đặc biệt trong năm 2014, ICDREC đã thiết kế và gửi sản xuất thành công chip vi điều khiển thương mại đầu tiên của Việt Nam SG8V1. Hiện đã sản xuất 150.000 chip thương mại, ứng dụng trên gần 30 sản phẩm và 5 hệ thống tích hợp của ICDREC.

Chip vi điều khiển SG8V1 có thể sử dụng trong hầu hết các thiết bị điện, điện tử với tính năng kỹ thuật, hiệu năng bằng hoặc cao hơn và giá thành chỉ bằng một nửa chip nhập ngoại cùng loại và chip có khả năng tùy biến, tích hợp các công nghệ bảo mật phục vụ an ninh quốc phòng, bảo mật thông tin quốc gia...

Từ những sản phẩm nền móng này, TPHCM cũng đã có Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu phát triển công nghiệp vi mạch điện tử thành phố trở thành một ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, làm nền cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng đô thị thông minh, góp phần triển khai thành công các chương trình đột phá của thành phố nhằm giải quyết các vấn đề của thành phố bằng công nghệ.

Trở thành người làm KH-CN cho nước nhà, nhưng GS-TS Đặng Lương Mô luôn tìm cách vận động các trường đại học, các quỹ ở Nhật Bản tài trợ, giúp các giảng viên, những người yêu thích ngành vi mạch sang Nhật Bản tu nghiệp, nhất là Hiệp định hợp tác song phương giữa Đại học Hosei, tức là nơi GS-TS Đặng Lương Mô làm giáo sư và trưởng khoa trong 20 năm, với Đại học Bách khoa TPHCM, từ năm 1999 đến nay.

Đổi mới công tác thu hút cán bộ khoa học - công nghệ - Bài 1: Sức hút từ đô thị sáng tạo ảnh 2 Các nhà khoa học tại Hội thảo quốc tế về Khoa học và Kỹ thuật tính toán lần 4 (ICCSE-4) do Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (ICST), thuộc Sở KH-CN TPHCM tổ chức

Đại học Hosei, do GS-TS Đặng Lương Mô vận động, đã đưa ra khung tài trợ 100% kinh phí ăn ở, học và nghiên cứu cho phía Việt Nam cử đi theo công thức 12 tháng/người. Điều này tùy mục tiêu và nhu cầu người được đi học, nếu 3 người thì học trong vòng 4 tháng, 2 người thì học trong vòng 6 tháng.

Đã có hơn 50 người tham gia chương trình này, trong số đó không ít người đang cùng gắn kết phát triển ngành công nghiệp vi mạch trong nước ở các đơn vị nghiên cứu… Và lần gặp mới đây nhất, GS-TS Đặng Lương Mô vẫn cười nói: “Chúng tôi đang có một số dự án đầy triển vọng cho ngành vi mạch thành phố, khi có thông tin chính thức sẽ thông báo”.

Intel và 6 thạc sĩ cho đô thị thông minh

Năm 2018, Quyết định số 31/2018/QĐ-UBND về ban hành Chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực TPHCM có nhu cầu giai đoạn 2018 - 2022 được xem như là “cú hích” trong chính sách thu hút cán bộ KH-CN TPHCM.

Tiếp đó, vào tháng 7-2019, UBND TPHCM ban hành Quyết định 17/2019/QĐ-UBND về ban hành Quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TPHCM có nhu cầu trong giai đoạn 2019 - 2022… thì hoạt động thực tiễn kinh tế - xã hội liên quan đến KH-CN đã thay đổi ngoạn mục.

Ngược thời gian, ngày 29-10-2010, Tập đoàn Intel (Mỹ) đã tổ chức lễ khánh thành nhà máy sản xuất và kiểm định chipset Intel Việt Nam (đóng tại Khu Công nghệ cao TPHCM, quận 9) với tổng đầu tư 1 tỷ USD, trở thành mốc quan trọng trong hình thành và phát triển Khu Công nghệ cao nói riêng và nâng tầm giá trị KH-CN tại TPHCM nói chung.

Đáng chú ý, thời gian qua Intel Products Vietnam đã phối hợp cùng các trường đại học tại Việt Nam cấp học bổng cho hàng trăm sinh viên theo học chương trình đại học và thạc sĩ tại Mỹ, Australia; phối hợp cùng các trường đại học của Mỹ tổ chức chương trình nâng cao cho hơn 7.000 giảng viên đại học, cao đẳng của Việt Nam. Từ đây mở ra cánh cửa mới cho chương trình đào tạo, thu hút nhân tài KH-CN tại Khu Công nghệ cao nói riêng và TPHCM nói chung.

Trong chương trình hợp tác đào tạo nhân lực cao cho TPHCM, để phục vụ cho đô thị thông minh, Intel cũng đã hỗ trợ đào tạo 6 thạc sĩ kỹ thuật tại Mỹ ở Đại học Arizona. Những thạc sĩ học ở Mỹ nói trên thuộc chương trình học bổng Grand Challenge do Intel tài trợ, nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho TPHCM xây dựng đề án đô thị thông minh.

Mỗi suất học bổng trị giá 60.000 - 65.000USD, gồm chi phí học tập và sinh hoạt. Nguồn tiền trên nằm trong khoản tài trợ 1 triệu USD của Intel cho dự án thành phố thông minh, được UBND TPHCM triển khai giai đoạn 2017 - 2025. Theo thỏa thuận, sau khi tốt nghiệp các thạc sĩ này phải làm việc ít nhất 3 năm cho dự án đô thị thông minh của TPHCM.

Sáu người nhận được học bổng là Phạm Quốc Thái, Đào Đoàn Duy, Hoàng Thị Khánh Hà, Hồ Hoàng Hải Nam, Nguyễn Quang Hưng, Lê Phước Trí. Những người này tốt nghiệp loại giỏi các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Huế. Họ đã học thạc sĩ ở ĐH Arizona từ tháng 7-2017 đến tháng 7-2018 với chuyên ngành liên quan tới dự án đô thị thông minh của TPHCM như: giao thông vận tải, môi trường, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng...

Trong số 6 thạc sĩ trên, hầu hết đang làm việc trong các sở ngành của thành phố hay Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn thuộc Sở GTVT. Chỉ có anh Phạm Quốc Thái được phân công làm việc ở Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM, trái với chuyên ngành, nên thành phố đang tìm cách bố trí công việc đúng chuyên môn - như lời của lãnh đạo TPHCM đã trao đổi với ông Todd Brady, Giám đốc Đối ngoại Tập đoàn Intel trong một cuộc họp vào tháng 7-2019 tại UBND TPHCM.

Trong giai đoạn TPHCM đang khẩn trương xây dựng đô thị thông minh, các thạc sĩ đang được giao nhiều “đề bài” và sẽ có đất ứng dụng, thi triển kiến thức của mình… để góp chất xám cho sự phát triển của thành phố.


Tháng 11-2017, Thành ủy TPHCM đã có Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Hội nghị này cho thấy chủ trương thu hút chuyên gia KH-CN của TPHCM bước đầu đã có kết quả tốt, tạo sức hút nhất định với các chuyên gia KH-CN trong và ngoài nước. Sau 3 năm thực hiện, TPHCM đã tiếp nhận 22 chuyên gia, nhà khoa học (có 4 người nước ngoài), gồm: 5 giáo sư, 1 phó giáo sư, 12 tiến sĩ và 2 kỹ sư (độ tuổi bình quân là 51) vào làm việc tại 4 đơn vị nói trên.

Phương thức làm việc là ký hợp đồng 12 - 48 tháng theo đặc thù công việc; các chuyên gia định cư ở nước ngoài về Việt Nam 2 - 3 lần/năm để thực hiện các chuyên đề, hội thảo lớn. Còn lại các chuyên gia áp dụng phương pháp quản lý trực tuyến để đảm bảo tiến độ công việc được giao… thể hiện sự linh động trong quản lý.

TPHCM cũng hướng đến các lĩnh vực then chốt trong KH-CN như vi mạch bán dẫn, đổi mới sáng tạo, toán ứng dụng, hóa tính toán, vật lý, sinh học, sinh học phân tử, kỹ thuật sinh hóa… với mức lương 20 - 55 triệu đồng/tháng/chuyên gia và hỗ trợ chi phí đi lại.

Tin cùng chuyên mục