Đổi mới hình thức xử phạt học sinh

Từ đầu tháng 4-2023 đến nay, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) áp dụng hình thức xử phạt mới đối với học sinh vi phạm nội quy nhà trường.
Đổi mới hình thức xử phạt học sinh

Theo đó, thay cho các hình thức xử phạt trước đây là viết kiểm điểm, chép phạt, lao động công ích, học sinh vi phạm nội quy sẽ được yêu cầu lên thư viện, tự chọn một quyển sách trong tủ sách “Hạt giống tâm hồn” để đọc và viết cảm nhận về nội dung của sách.

Em Võ Duy Thịnh, học sinh lớp 10A7, Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho rằng, đọc sách giúp em hiểu hơn ý nghĩa của các giá trị sống, qua đó xác định thái độ sống và hành vi ứng xử phù hợp.

Tương tự, một học sinh lớp 11A14 cho biết, việc nhà trường thay đổi hình thức kỷ luật học sinh từ lao động công ích thành yêu cầu đọc sách giúp việc xử phạt học sinh trở nên nhẹ nhàng hơn nhưng hiệu quả tác động lâu dài. “Các câu chuyện về đạo đức nhẹ nhàng giúp tụi em nhận ra lỗi mà mình đã mắc phải, từ đó gợi mở cách thức sửa đổi để sống tốt đẹp hơn”, nam sinh này bày tỏ.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, đổi mới hình thức xử phạt học sinh nhằm “đánh” sâu hơn vào nhận thức của các em nhưng không tạo tâm lý nặng nề, căng thẳng. Thay vào đó, học sinh được rèn luyện thói quen đọc sách, tiếp nhận các bài học về đạo đức một cách nhẹ nhàng, dễ chịu. Sau khi đọc sách, học sinh được yêu cầu viết bài cảm nhận, nêu lên suy nghĩ của bản thân trước các hành vi chưa phù hợp trong xã hội. Qua đó, thầy cô và cha mẹ hiểu hơn về suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của các em để có sự định hướng và đồng hành phù hợp.

Đặc biệt, những mẫu chuyện liên quan đến cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình sẽ tác động tích cực đến suy nghĩ và hành vi của học sinh. “Khi các em biết yêu thương cha mẹ, ông bà thì sẽ học được cách yêu thương, quan tâm những người xung quanh, gieo những hạt giống nhân cách tốt đẹp trong tâm hồn. Đây là cơ hội giúp học sinh rút ra bài học kinh nghiệm sống, biết sửa sai nhưng đồng thời cũng là cơ hội học tập, rèn luyện để trở thành người sống có văn hóa, văn minh”, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ.

Không chỉ “Hạt giống tâm hồn”, các đầu sách về tấm gương người con hiếu thảo, học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… cũng cần được bổ sung vào tủ sách để học sinh đọc và viết cảm nhận, giúp các em trở thành người sống có ích, có trách nhiệm với gia đình và xã hội.

Tin cùng chuyên mục