Đổi mới hướng nghiệp cho học sinh

Năm học 2022-2023, lần đầu tiên trải nghiệm hướng nghiệp trở thành một trong các hoạt động giáo dục bắt buộc khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT. Trước thay đổi không ngừng của thị trường lao động, hướng nghiệp cần thay đổi về nội dung và hình thức triển khai ở các trường phổ thông.

Hiểu đúng về nghề nghiệp

Tại buổi tư vấn hướng nghiệp do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức mới đây tại Trường THPT Lương Thế Vinh 
(quận 1), học sinh đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc chọn nghề như: “nghề nào ra trường dễ kiếm việc làm và có thu nhập cao?”, “làm sao để kiếm nhiều tiền sau 3-5 năm đi làm?”…

Học sinh Trường THCS Lạc Hồng (quận 10, TPHCM) tìm hiểu nghề đầu bếp tại Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist 
ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, cho biết, sau khi ra trường, cơ hội việc làm nhiều hay ít phụ thuộc vào năng lực của chính người học. Hiện nay, không có nghề nào toàn người có thu nhập cao và ngược lại. Tùy vào mục tiêu nghề nghiệp và nỗ lực theo đuổi đam mê công việc, mỗi người sẽ có hướng phát triển phù hợp. Đồng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, bày tỏ: “Không có mẫu số chung cho bất cứ ngành nghề lao động nào trong xã hội. Thay vào đó, các bạn hãy xác định muốn làm gì trong tương lai, bản thân sẽ nỗ lực ra sao để thực hiện mục tiêu đó vì ngoài yếu tố chuyên môn, tất cả công việc đều đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng, thái độ nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ và tin học tốt”.


Ở góc độ khác, theo TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên, Đại học Quốc gia TPHCM, hiện các trường đại học có khoảng 400 ngành đào tạo, cao đẳng là 600 ngành và trung cấp gần 1.000 ngành. Mỗi trình độ đào tạo yêu cầu mức độ kiến thức, kỹ năng và có cơ hội việc làm khác nhau. Một trong những xu hướng mới hiện nay là các trường cao đẳng, đại học đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực khiến việc chọn ngành học đối với học sinh không hề đơn giản. Để lựa chọn ngành học phù hợp, các em phải xác định mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai, sau đó mới đến ngành học, bậc học và trường học. Song song đó, người học phải thường xuyên cập nhật thông tin về tuyển sinh của các trường đại học, kết hợp thông tin về thị trường lao động để lựa chọn ngành học phù hợp.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng, ngày càng nhiều học sinh có xu hướng tìm hiểu các ngành học mới như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số… Tuy nhiên, các em cần tìm hiểu kỹ mã ngành đào tạo để tránh sai sót, đồng thời đánh giá mức độ phù hợp của bản thân trước khi lựa chọn.

Vai trò của trường phổ thông

Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là một trong những nội dung bắt buộc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT. Trước đây, trường học chỉ có một vị trí việc làm duy nhất là nhân viên tư vấn tâm lý trong nhà trường, chịu trách nhiệm hỗ trợ tất cả vấn đề về tâm lý cho học sinh, chứ chưa có cán bộ riêng phụ trách tư vấn hướng nghiệp. Bắt đầu từ năm học 2022-2023, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở lớp 10, trải nghiệm hướng nghiệp trở thành hoạt động bố trí trong khung chương trình chính khóa, phân công thời khóa biểu và giáo viên phụ trách như các môn học khác. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành nghề và thị trường lao động thay đổi liên tục, làm sao để học sinh nhìn nhận đúng đắn nghề nghiệp trong tương lai là thử thách đặt ra cho cả người dạy lẫn người học.

Theo hướng dẫn của Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), trong chương trình mới, trải nghiệm hướng nghiệp gồm nhiều hoạt động trong và ngoài nhà trường, như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ. Mặt khác, do đây là hoạt động giáo dục bắt buộc nên học sinh sẽ được kiểm tra, đánh giá định kỳ phù hợp điều kiện thực tế của đơn vị.

Để nâng cao hiệu quả hướng nghiệp cho học sinh, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường THPT lồng ghép nội dung hướng nghiệp vào các môn học và hoạt động giáo dục khác, tổ chức cho học sinh trải nghiệm ngành nghề tại cộng đồng, cơ quan, doanh nghiệp tối thiểu 1 lần/năm học. Hiệu trưởng một trường THPT ở quận 3 chia sẻ, trước đây để tiết kiệm chi phí tổ chức, nhiều trường tư vấn tuyển sinh theo hình thức phối hợp với các trường đại học tổ chức giải đáp thắc mắc, giới thiệu ngành học mới trong tiết sinh hoạt dưới cờ.

Tuy nhiên, cách làm này chưa mang lại hiệu quả thực chất, dễ sa đà vào việc quảng bá tuyển sinh cho các trường đại học. Thay vào đó, học sinh cần được tạo điều kiện tham quan, tìm hiểu môi trường làm việc thực tế tại các doanh nghiệp, trực tiếp trao đổi với người lao động đang công tác trong các lĩnh vực để từ đó có cái nhìn thực tế, tránh nghe tư vấn một chiều, gây ảnh hưởng quyền lợi của các em.

Trước băn khoăn của nhiều học sinh về việc nên học trong nước hay đi du học nước ngoài, ông Huỳnh Hiếu Thuận, Trưởng Phòng tuyển sinh, Đại học Broward Hoa Kỳ tại Việt Nam, chia sẻ, học sinh cần dựa trên các yếu tố gồm khả năng tài chính của gia đình, trình độ ngoại ngữ của bản thân, sức khỏe và khả năng tự lập để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Tin cùng chuyên mục