Đối tác tự nhiên của châu Âu

“Ngay cả một đại dương cũng không thể chia cắt chúng ta vì Mỹ Latinh và châu Âu là những đối tác tự nhiên”. Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock trước thềm chuyến thăm 3 nước Mỹ Latinh là Brazil, Colombia và Panama nhằm thúc đẩy hợp tác.

Tuyên bố khẳng định, Mỹ Latinh là đối tác tự nhiên của châu Âu, trong đó Brazil là đối tác chiến lược sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sắp tới.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Đức đang thiếu hụt trầm trọng lao động có tay nghề, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc y tế. Nhiều viện dưỡng lão và cơ sở chăm sóc sức khỏe đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Hiệp hội các cơ sở chăm sóc sức khỏe tư nhân lo ngại về một làn sóng phá sản lớn trong ngành này. Để góp phần giải quyết tình trạng trên, Chính phủ Đức ráo riết thúc đẩy hợp tác lao động với Brazil - quốc gia đông dân nhất Mỹ Latinh và đang dư thừa lao động trong lĩnh vực chăm sóc y tế.

Theo trang deutschland.de, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil sẽ tham gia vào một chương trình chung ở Brazil nhằm tìm giải pháp tuyển dụng lao động ngành y đã qua đào tạo từ Brazil. Ngoại trưởng Baerbock khẳng định, Đức sẵn sàng mở rộng cánh cửa cho các y tá, điều dưỡng viên Brazil.

Hiện tại, mới có khoảng 200 điều dưỡng viên Brazil làm việc tại Đức. Trong khi nước Đức đang thiếu hụt lao động có tay nghề cao trong ngành điều dưỡng, Brazil lại đang dư thừa nguồn lao động này, với tỷ lệ thất nghiệp của y tá là 10%. Trong bối cảnh đó, hai nước sẽ có nhiều thuận lợi trong hợp tác, có thể tận dụng tốt lợi thế của mỗi bên để cùng hưởng lợi trong lĩnh vực dịch vụ y tế.

Brazil là quốc gia duy nhất tại Mỹ Latinh mà Đức có quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2008. Đây cũng là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức ở Nam Mỹ. Ngoài Brazil, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil cũng sẽ tới thăm Colombia và Panama.

Theo Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil, điều quan trọng là hai bên cùng có lợi và không tước đi nguồn lao động mà quốc gia đó đang cần.

Tin cùng chuyên mục