Đối thoại đầu tuần: Giải quyết điểm vướng mắc trong thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội

Trong tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV - như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 đang diễn ra. 

GS-TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chia sẻ với phóng viên Báo SGGP quan điểm về dự án luật mà ông đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu.

GS-TS Hoàng Văn Cường

GS-TS Hoàng Văn Cường

Phóng viên: Thưa ông, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn nhiều nội dung chưa đạt thống nhất cao. Ông nhìn nhận gì về những vướng mắc và vướng mắc lớn nhất ở đâu?

GS-TS Hoàng Văn Cường: Đúng là còn nhiều vấn đề có tranh luận. Một trong những điểm vướng mắc nhất, theo tôi, là việc có nên thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội hay để nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 (về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao) công nhận cả 2 phương án nhưng nêu rõ dự án thuộc diện thu hồi đất phải là dự án phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Nhưng, tiêu chí để xác định “vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng” như thế nào thì dự thảo luật này chưa nêu mà lại quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất. Tôi cho rằng liệt kê như thế sẽ không đầy đủ, có thể làm nảy sinh thắc mắc như đất để phát triển du lịch, không đưa vào diện thu hồi. Quan điểm của tôi là phải quy định tiêu chí.

Vậy theo ông nên đưa ra tiêu chí cụ thể như thế nào?

Theo tôi, dự án triển khai để thực hiện quy hoạch đã được Nhà nước phê duyệt, đồng thời dự án đó cũng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đầu tư thì có thể coi là mang lại lợi ích công cộng, đủ điều kiện thu hồi. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh ý này, rất quan trọng, đó là thu hồi đất không có nghĩa tước đoạt quyền lợi của người có đất, vì thu hồi luôn đi kèm với bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong đó, nguyên tắc như đã được xác định trong Nghị quyết số 18-NQ/TW là việc bồi thường phải bù đắp được thiệt hại của người có đất bị thu hồi, ngoài ra còn phải hỗ trợ thêm để người đó có được cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tôi cho rằng, thực hiện được đúng nguyên tắc đó thì còn tốt hơn để nhà đầu tư tự thỏa thuận vì khi nhà đầu tư tự thỏa thuận họ chỉ chi trả ngang với giá trị thiệt hại của người bị thu hồi đất.

Trên thực tế có nhiều trường hợp người bị thu hồi đất được hưởng ít hơn người được doanh nghiệp tự thỏa thuận để mua lại quyền sử dụng, thưa ông?

Đấy là do chính sách của chúng ta không sát thực tế. Luật Đất đai 2013 có quy định khung giá, bảng giá nhưng vì khung, bảng giá đó rất lạc hậu cho nên thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, chính vì thế cần sửa đổi. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Nghị quyết số 18-NQ/TW đưa ra nguyên tắc là đảm bảo người có đất bị thu hồi được đền bù nơi ở bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Dự thảo không còn khung giá, bảng giá thì được cập nhật hàng năm, sát thị trường. Khi bồi thường dựa vào bảng giá đó, cập nhật thêm cho phù hợp với tình hình thị trường ở thời điểm thu hồi. Tôi kỳ vọng rằng khi thực hiện đúng luật sẽ không có chuyện chênh lệch nữa.

"Cán bộ thực hiện chính sách thu hồi đất bị vướng vòng lao lý là do họ trục lợi chính sách, chứ nếu đảm bảo lợi ích cho người dân mà không tư túi thì cũng không bị xử lý hình sự. Giá bồi thường là vấn đề thường khiến người dân không đồng tình, vì địa phương lấy bảng giá nhà nước làm cơ sở rồi nhân hệ số nhưng như thế vẫn rất thấp so với giao dịch thực tế trên thị trường. Nếu như địa phương năng động, dám nghĩ dám làm, đưa ra hệ số bồi thường cao; từ góc độ nào đó có thể nói việc chi trả bồi thường làm “thiệt thòi” hơn cho Nhà nước nhưng tiền đó không vào túi cán bộ thì cũng không ai xử lý hình sự những cán bộ này", GS-TS Hoàng Văn Cường

Tại kỳ họp thứ 5, các phương pháp định giá cũng là vấn đề được tranh luận sôi nổi. Dự thảo lần này đã được tiếp thu, sửa đổi như thế nào, đã đủ đảm bảo quyền sử dụng đất được định giá chính xác chưa?

Dự thảo luật chỉ đưa ra phương pháp và yêu cầu về nguyên tắc là định giá sát giá thị trường thôi, còn cách tính cụ thể như thế nào phải do nghị định quy định. Chính phủ hiện đang chuẩn bị ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 44 (Nghị định số 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giá đất - PV) và dự thảo đó đã đưa ra nhiều phương pháp tính.

Phương pháp thặng dư, một trong những tâm điểm tranh luận, thì sao? Ông có ủng hộ?

Đây là phương pháp rất phổ biến khi định giá các mảnh đất sẽ giải phóng mặt bằng để phát triển kinh tế - xã hội, chẳng hạn khi thu hồi đất nông nghiệp sau đó xây dựng công trình nhà ở đô thị, thương mại. Như thế, giá trị địa tô tăng lên rất nhiều. Giá trị tăng lên đó có thể xác định qua phương pháp lợi nhuận - còn gọi là phương pháp thặng dư. Tôi cho rất cần phương pháp này, nếu không rất khó đánh giá chính xác được là nhà đầu tư đã tạo ra được lợi nhuận bao nhiêu, phần giá trị tăng thêm từ chuyển mục đích sử dụng đất như thế nào để tính thuế hoặc phân phối lại.

Với dự thảo luật này, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ sẽ phải ban hành thêm rất nhiều văn bản hướng dẫn. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản hướng dẫn phải trình kèm. Ông đã nhận được?

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đúng là luật lớn. Nhiều ý kiến cho rằng phải là bộ luật. Đứng về mặt quy định thì đúng là khi trình dự luật phải kèm dự thảo các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ khi trình đến nay vẫn đang liên tục thay đổi, không phải thay đổi theo kỳ họp mà thay đổi hàng tháng. Cho nên các văn bản kèm theo cũng chưa làm được, rất khó khả thi. Trong bối cảnh đó, quá trình làm luật phải rất kỹ. Những nội dung đưa được vào luật thì đưa vào ngay, không đưa vào được phải định hướng làm theo hướng nào và thể hiện trong văn bản giải trình của Chính phủ.

Cá nhân ông đánh giá liệu Quốc hội có thể thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này?

Tất nhiên ai cũng mong muốn luật được thông qua vì đã qua 3 kỳ họp nhưng không thể ấn định vì còn rất nhiều ý kiến cần cân nhắc. Nếu ra thảo luận ở nghị trường các ý kiến vẫn quá khác nhau tôi nghĩ cũng không nên vội vàng.

Tin cùng chuyên mục