Ban đầu trường chỉ có 2 phòng học, dần dần được cơi nới xây dựng thành 6 phòng học, đến năm 1997 số học sinh đã tăng lên 380 học sinh với 10 lớp học. Bên cạnh không gian chật chội, tường mái bị thấm dột vào mùa mưa thì việc đưa đón học sinh cũng rất bất tiện do nằm trong khu vực phố cổ, xe máy không được vào.
Từ hơn 10 năm trước yêu cầu về việc di dời trường càng bức thiết nhưng không thể thực hiện được do thành phố không còn quỹ đất. Tuy nhiên, cơ hội đã đến khi Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Hội An (số 13 đường Trần Hưng Đạo) bị giải thể, thành phố đã quyết định chọn vị trí này làm trường mới, dù rất nhiều nhà đầu tư xin được đầu tư vào đây, thậm chí mua luôn nhưng thành phố vẫn quyết định dành cho giáo dục.
“Không chỉ chúng tôi mà tất cả phụ huynh học sinh nhà trường đều vui mừng phấn khởi. Nửa tháng nay các cô ai cũng tất bật trang trí cho ngôi trường của mình trở nên xinh đẹp, dù vất vả nhưng niềm vui về một ngôi trường mới khang trang khiến mọi người như quên đi những mệt nhọc của mình”, cô Xuân tâm sự.
“Việc di dời phải đảm bảo các yêu cầu như nằm trên địa bàn phường Minh An; có diện tích thoáng rộng thuận lợi cho phụ huynh đưa đón, đặc biệt là trẻ em mẫu giáo học tập vui chơi. Đây là điều rất khó, nhất là trong lúc đất đai Hội An ngày càng eo hẹp. Vì vậy việc thành phố vẫn quyết định cấp mảnh đất rộng ngay tại vị trí đẹp nhất của trung tâm không phải là chuyện dễ dàng. Điều đó, chứng tỏ thành phố đã có sự quan tâm rất lớn đối với giáo dục, tôi cho rằng đây là quyết định mang tính lịch sử”, ông Dương nhìn nhận.
Trường Mẫu giáo Măng Non được xây mới trên diện tích khoảng 3.000m², hai tầng gồm 12 phòng học và các phòng chức năng, kinh phí đầu tư gần 15 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, sau khi Trung tâm GD-TX bị giải thể rất nhiều đơn vị đã liên hệ xin đấu giá, mua hoặc thuê khu đất này để kinh doanh nhưng thành phố không chấp nhận, vẫn quyết định dành khu đất để xây dựng trường mầm non, mặc dù nếu đấu giá ngân sách thành phố có thể thu về 600 – 700 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Phú Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, đình Ông Voi là di tích quốc gia, nên việc di dời trường sẽ đảm bảo cho hai mục tiêu là giáo dục và bảo tồn di sản.
“Đình Ông Voi là một trong những công trình kiến trúc tín ngưỡng làng xã có giá trị đặc biệt về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, nên ngay khi ngôi trường di dời đơn vị đã lập hồ sơ dự toán thiết kế tu bổ di tích ngôi đình. Ngày 28-8 vừa qua UBND TP Hội An ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư tu bổ, tôn tạo ngôi đình này. Mục tiêu đầu tư là tu bổ những hạng mục kiến trúc đang bị xuống cấp, hư hại; cải tạo hạ tầng kỹ thuật; tôn tạo sân vườn, cảnh quan của di tích. Tổng dự toán để tu bổ, tôn tạo ngôi đình là hơn 5,6 tỉ đồng, việc tu bổ sẽ làm từ 2020 - 2021. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An được UBND thành phố giao làm chủ đầu tư tu bổ công trình. Khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những điểm đến đặc biệt hấp dẫn đối với khách du lịch khi tới tham quan phố cổ Hội An”, ông Ngọc cho biết.