Đón công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, phát triển nông nghiệp Việt Nam

Khoa học công nghệ đã giúp nông nghiệp Việt Nam "lột xác", đầu tư mạnh hơn cho nền nông nghiệp nước nhà bằng ứng dụng công nghệ mới, cập nhật liên tục, mời gọi các nhà đầu tư FDI vào chuyển giao công nghệ.

Các diễn giả, nhà khoa học trong và ngoài nước đến dự diễn đàn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp Việt Nam sáng 18-10

Các diễn giả, nhà khoa học trong và ngoài nước đến dự diễn đàn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp Việt Nam sáng 18-10

Sáng 18-10, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Tổ chức CropLife châu Á tổ chức “Diễn đàn ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững” để cập nhật, trao đổi thông tin tổng quát về xu hướng nghiên cứu, phát triển và tích hợp công nghệ mới, hướng tới nền nông nghiệp bền vững, có thể thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo Bộ NN-PTNT, từ một đất nước thiếu lương thực, giờ đây, Việt Nam không những đủ ăn mà còn xuất khẩu nông sản thuộc nhóm hàng đầu thế giới nhờ mạnh mẽ ứng dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp.

Trong giai đoạn 2020-2023, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu, tạo ra 148 giống cây trồng các loại được công nhận; 36 tiến bộ kỹ thuật được Bộ NN-PTNT Việt Nam công nhận, đưa vào sản xuất, giúp tăng năng suất và chất lượng.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: “Việt Nam sẽ chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm theo hướng ít phát thải và bền vững thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, nhân rộng mô hình hợp tác công tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong chuỗi giá trị nông nghiệp”.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, diễn đàn này được tổ chức để đánh giá thành quả của việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cập nhật các xu hướng nghiên cứu và ứng dụng của thế giới. Mục tiêu trụ cột của nông nghiệp Việt Nam là mời gọi các doanh nghiệp FDI vào đầu tư, các viện, trường đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Tại đây, Vụ KHCN-MT (Bộ NN-PTNT Việt Nam) và Tổ chức CropLife châu Á đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp giai đoạn 2023-2030.

Theo đó, hai bên sẽ thúc đẩy các hoạt động chia sẻ thông tin, tư vấn chính sách, đào tạo, tập huấn, hội thảo khoa học chuyên sâu để cập nhật, khuyến khích ứng dụng các giải pháp, thành tựu của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiên tiến trong nông nghiệp, hỗ trợ nông dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học mới trong nông nghiệp của Việt Nam.

Theo số liệu nêu tại diễn đàn, ước tính khoa học công nghệ đã đóng góp trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua. Trong đó, cải tiến về giống cây trồng, nguyên liệu đầu vào, những công nghệ mới như công nghệ sinh học và các công cụ canh tác tiên tiến, ứng dụng nhận dạng tự động (AIS), số hóa… là chìa khóa để nông dân thích ứng với điều kiện thời tiết thay đổi, tạo nguồn thực phẩm đa dạng, giá cả hợp lý, sử dụng nguyên liệu đầu vào tiết kiệm, giảm phát thải, giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên.

Tin cùng chuyên mục