Quốc hội nghe và thảo luận các báo cáo việc thực hiện pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Đơn giản và minh bạch hóa việc cấp giấy chứng nhận đất, nhà

Quy định về đất, nhà: vừa “rối” vừa “đá” nhau
Đơn giản và minh bạch hóa việc cấp giấy chứng nhận đất, nhà

Ngày 6-11, Quốc hội (QH) đã dành trọn ngày để nghe và thảo luận các báo cáo việc thực hiện pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Những nguyên nhân khiến chậm cấp GCNQSDĐ đã được các đại biểu (ĐB) mổ xẻ. Những vấn đề “nóng” hiện nay là quy định còn bất cập, thủ tục hành chính còn rườm rà.

Quy định về đất, nhà: vừa “rối” vừa “đá” nhau

Đơn giản và minh bạch hóa việc cấp giấy chứng nhận đất, nhà ảnh 1

Người dân xếp hàng chờ đợi làm thủ tục nhà đất tại UBND quận Gò Vấp TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo báo cáo của Chính phủ, việc cấp GCN nhìn chung còn chậm. Đã có 27 tỉnh, thành phố đã cấp GCNQSDĐ đạt dưới 70% về diện tích các loại đất chính (gồm đất sản xuất nông nghiệp và đất ở đô thị, nông thôn), trong đó có 6 tỉnh, thành phố cấp GCN đạt dưới 50% các loại đất chính. Tình trạng sai sót trong quá trình thực hiện cấp GCN cũng rất đáng lưu ý: trong năm 2006 có gần 15% số bộ hồ sơ được kiểm tra bị phát hiện có sai phạm.

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng), phân tích, Điều 48 Luật Đất đai quy định rõ: “GCNQSDĐ cấp cho người sử dụng đất theo một mẫu thống nhất trong cả nước đối với mọi loại đất”. Song khoản 1, Điều 48 cũng lại quy định: “Trường hợp có tài sản gắn liền với đất thì tài sản đó được ghi nhận trên GCNQSDĐ, chủ sở hữu tài sản phải đăng ký quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật về đăng ký bất động sản”, như vậy là chỉ “ghi nhận” chứ không “công nhận”. Nhà cửa của người dân bỏ tiền ra người ta làm, chỉ ghi nhận không công nhận quyền sở hữu, thì nó vô lý. Trong khi đó trước khi có Luật Đất đai năm 2003, chúng ta áp dụng Luật Đất đai năm 1993 sửa đổi và sau này thực hiện Nghị định 60 CP, thì nhà ở gắn liền với đất được công nhận quyền sở hữu, trước đó là công nhận quyền sở hữu.

Trước những phản ứng gay gắt, đến năm 2005, QH ban hành Luật Nhà ở, khoản a, Điều 11 có ghi: “Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sở hữu đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì cấp một GCN là GCNQSHNỞ và GCNQSDĐ”. Như vậy Luật Đất đai năm 2003 không công nhận quyền sở hữu nhà, còn đến Luật Nhà ở năm 2005 thì được công nhận, chỉ chênh nhau có khoảng 2 năm được công nhận, QH thì bận trăm công nghìn việc cho nên giao việc này cho Ban soạn thảo, mà Ban soạn thảo luật nào thì lại do bộ đó chủ công.

Theo ĐB, sau khi có Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng “thừa thắng” xông lên tiếp tục tham mưu cho Chính phủ ra đời Nghị định 90 và tại khoản 4 cũng có ghi một câu “Bộ Xây dựng có trách nhiệm in ấn phát hành GCNQSDNỞ theo nội dung và mẫu giấy theo quy định tại điều này để áp dụng thống nhất trong cả nước”.

Như vậy, Luật Đất đai nói rất rõ đến Luật Nhà ở thì quy định như vậy và cuối cùng không thấy đất đai đâu, chỉ thấy nhà. Cũng từ đây ngành tài nguyên và môi trường và ngành xây dựng tranh luận triền miên bất cập một sổ, hai sổ, thêm tư pháp, thêm sổ xanh; càng thêm dân càng rối và phức tạp.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nêu một thực tế, tính đến 30-9-2007, trên địa bàn TP mới cấp được 16,8% GCNQSDĐ. Dù TP có những nỗ lực trong việc bàn giải pháp cấp nhanh GCNQSDĐ nhưng không tiến được. Nguyên nhân chủ quan khiến cho việc cấp GCNQSDĐ ở đô thị chậm là do công tác quy hoạch còn chậm: quy hoạch chi tiết chưa xong nhưng nhiều khu nhà đã có, quy hoạch treo…

Về khách quan, đó là do những xung đột trong chính Luật Đất đai và Luật Nhà ở. ĐB này phân tích thêm, Điều 48, Luật Đất đai quy định như vậy nhưng Điều 13, Luật Nhà ở lại quy định GCNQSHNỞ quy định tại Luật Nhà ở là cơ sở pháp lý để chủ sở hữu nhà ở thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đối với nhà ở đó theo quy định của pháp luật. “Nghĩa là không có giấy chứng nhận theo Luật Nhà ở thì không có quyền gì, gây tâm lý bất an. Tôi đồng ý với Luật Đất đai và cần cấp giấy trên cơ sở thống nhất của Luật Đất đai và phải xác lập nhanh chóng quyền sở hữu của người dân vì điều đó đã được Hiến pháp đã công nhận và bảo vệ”, ĐB Trần Du Lịch nói.

Nên cho ghi nợ lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền khi cấp GCNQSDĐ lần đầu

Vấn đề khác được nhiều ĐB nêu ra tại nghị trường là nghĩa vụ tài chính mà người dân phải nộp để được cấp GCN hiện nay là cao so với mặt bằng thu nhập chung, nhất là đối với các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Ngay tại Hà Nội, theo ĐB Đặng Huyền Thái (Hà Nội), hiện số lượng GCNQSDĐ đã cấp nhưng dân chưa đến nhận còn tới hơn 65.000 trường hợp.

Nguyên nhân chủ yếu do trong năm 2005 – 2006, người dân phải nộp lệ phí trước bạ và thuế tính theo giá đất mới cao hơn từ 8 đến 15 lần giá đất năm 2004, nên nhiều hộ gia đình, đặc biệt các hộ ngoại thành, không đủ khả năng hoàn thành nghĩa vụ tài chính. ĐB này cho rằng, Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ cho phép ghi nợ cả lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền khi cấp GCN quyền sử dụng đất lần đầu.

Đồng tình với ĐB Đặng Huyền Thái, ĐB Nguyễn Danh (Gia Lai) cho biết, riêng TP Pleiku cũng tồn đọng hơn 6.000 GCN quyền sử dụng đất đã làm xong, nhân dân không đến nhận vì lý do tài chính. Trên cơ sở bảo đảm lợi ích hợp pháp chính đáng của người sử dụng đất và giảm bớt phiền hà, tốn kém, ĐB đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bất động sản theo hướng quy định một giấy.

Cũng với mục đích tạo thuận lợi cho người dân, ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo đơn giản hóa các biểu mẫu trong hồ sơ để người dân dễ hiểu, dễ kê khai đăng ký cấp GCNQSDĐ, rà soát lại các bước trong quy trình lập hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ, nhằm giảm bớt các thủ tục không cần thiết…

Đề cập đến khía cạnh khác, ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) thẳng thắn nhận xét, trong khá nhiều trường hợp, cán bộ cấp GCN ngại trách nhiệm, không nhận thức được bức xúc và yêu cầu chính đáng của người dân, có trường hợp cố tình kéo dài thời gian để vụ lợi. “Nhiều địa phương vẫn chưa coi trọng cải cách thủ tục hành chính khi giải quyết cấp GCN, thậm chí vẫn còn tiếp tục thực hiện một số thủ tục theo quy định cũ đã bị bãi bỏ hoặc thay thế, khiến cho người dân bị thiệt thòi”, bà nói.

Hà My – Anh Phương

Sửa luật và giảm nghĩa vụ tài chính cho người dân

Báo cáo của Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng này, theo đó, việc cấp GCNQSDĐ sẽ theo hướng do một cơ quan cấp một giấy vừa công nhận quyền sử dụng đất, vừa công nhận tài sản gắn liền với đất.

Dự kiến, đầu năm 2009, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua hai luật: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và Luật Đăng ký bất động sản. ĐB Phan Văn Vĩnh (Nam Định) đã chỉ ra nhiều điểm mâu thuẫn trong các văn bản dưới luật về cấp GCN đất nông nghiệp, giá đất, hạn mức đất ở, giải phóng mặt bằng, tái định cư, ĐB phản ánh, do có sự khác biệt giữa luật và nghị định nên nhiều khi địa phương không biết phải thực hiện theo luật hay theo hướng dẫn của nghị định và đây chính là một nguyên nhân tiềm tàng của những khiếu kiện phức tạp.

Bộ trưởng Bộ TN – MT Phạm Khôi Nguyên nhìn nhận, đây là những vấn đề nóng và phức tạp. Do vậy, để triển khai thực hiện pháp luật về cấp GCNQSDĐ, bộ này sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ trong việc lập quy hoạch sử dụng đất, cấp GCN… và quyết tâm đến năm 2010 sẽ cấp xong GCN cho người dân.

“Để tạo thuận lợi cho việc này, tôi đã bàn với Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trong việc cấp GCN không đặt nặng vấn đề thu tiền và tính toán mức đóng phù hợp mà người dân có thể chịu đựng được. Bởi vì, mục đích chính là quản lý hồ sơ địa chính mới là vấn đề quan trọng. Việc thu tiền chỉ tính khi đất đó tham gia thị trường bất động sản. Đó mới là những khoản thu nhiều”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục