Quỹ Đầu tư Việt Nam đi vào hoạt động

Đón làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam

Đón làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam

Ngay trước “Diễn đàn Đầu tư Việt Nam - Cơ hội tiếp cận đầu tư hậu WTO” diễn ra tại Hà Nội, Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV) và đối tác Hoa Kỳ Vietnam Partners LLC đã khai trương Quỹ Đầu tư Việt Nam (VIF) với quy mô vốn lên tới 1.600 tỷ đồng (100 triệu USD). Liên tiếp từ nay đến năm 2007, một số quỹ tương tự cũng sẽ ra đời với mục đích đón làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam.

VIF là quỹ đầu tư thành viên dạng đóng, thành lập tại Việt Nam với quy mô tối đa được phép huy động là 1.600 tỷ đồng (100 triệu USD). Quỹ được phép đầu tư nắm giữ các loại cổ phần, chứng khoán, đầu tư góp vốn trực tiếp vào các dự án; được phép tổ chức góp vốn theo tiến độ đầu tư và vay vốn để phối hợp đầu tư.

Đón làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam ảnh 1

Theo ông Trần Bắc Hà, Tổng Giám đốc BIDV, quá trình huy động VIF do BIDV khởi xướng khi tham gia đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến công tác Hoa Kỳ vào tháng 6-2005. “Khi đó, chúng tôi thấy các cơ hội đầu tư vào Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư quốc tế - dấu hiệu của một làn sóng đầu tư mới, một giai đoạn tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, của hệ thống tài chính” - ông Hà cho biết.

Chính vì vậy, cùng với đối tác Hoa Kỳ là Vietnam Partners LLC, BIDV đã sáng lập ra Công ty Liên doanh Quản lý Đầu tư để quản lý 3 quỹ đầu tư vào Việt Nam và VIF là quỹ đầu tiên trong số đó đi vào hoạt động. Đến cuối năm 2006, quỹ song sinh với VIF cũng sẽ được thành lập tại Hoa Kỳ, quy mô vốn khoảng 100 triệu USD. Tiếp đến là Quỹ Công chúng cũng với quy mô vốn 100 triệu USD sẽ được thành lập tại Việt Nam trong năm 2007, triển khai qua hệ thống BIDV.

Giới thiệu về VIF, ông Trần Bắc Hà cho biết, đây là một tổ chức chuyên nghiệp và đa dạng hóa đầu tư trên nhiều lĩnh vực, nắm lấy cơ hội độc đáo từ quá trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp và làn sóng đầu tư mới khi Việt Nam gia nhập WTO. Chính vì thế, mặc dù triển khai trong thời gian ngắn, nhưng quỹ đã huy động được 20 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam cùng tham gia với số vốn 1.120 tỷ đồng.

Trong 3 tháng tới, quỹ sẽ huy động nốt số vốn còn lại để đạt mức 1.600 tỷ đồng như đã đề ra. Số vốn này của VIF sẽ được đầu tư vào cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa, cổ phần phát hành lần đầu của các công ty, các loại chứng khoán niêm yết có triển vọng tăng trưởng và có tính thanh khoản tốt, trên cơ sở tối ưu hóa lợi nhuận, quản lý chặt chẽ rủi ro.

“Chúng tôi đã chọn được 15 doanh nghiệp nhà nước đang cổ phần hóa để đầu tư” - ông Hà cho biết. Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư tiềm năng của VIF là bất động sản. Đến quý 3-2006, một quỹ thành viên của VIF chuyên đầu tư bất động sản sẽ được thành lập với số vốn 40 triệu USD.

Ông Trần Bắc Hà phân tích: “Phân tích về bất động sản, chúng tôi thấy rằng thực ra thị trường này hoàn toàn không “đóng băng”, nhưng điều quan trọng là phải đưa ra thiết chế hợp lý để điều tiết nó. Trong khi đó, các khách sạn 5 sao, các văn phòng tiêu chuẩn hạng A, hạng B đang hoạt động hết công suất, thậm chí có nơi “cháy phòng”. Áp lực cung cầu còn căng thẳng hơn khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam càng tăng cao. Đây là lý do chúng tôi chọn bất động sản là một trong những danh mục đầu tư của VIF”.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục