Đồng bằng sông Cửu Long : Ứ đọng lúa hè thu…

Đồng bằng sông Cửu Long : Ứ đọng lúa hè thu…

“Lúa trúng mùa nhưng ngành nông nghiệp buồn vì giá lúa thấp quá” - ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, nói như chia sẻ khó khăn với nông dân vào chiều 5-8. Theo ông Đồng, chưa bao giờ lúa hè thu lại tồn trong nhà dân lớn như hiện nay!?

Nông dân “cầm cự” trong 15-30 ngày nữa?

Giá lúa tại Hậu Giang chỉ còn 4.100 – 4.200 đồng/kg, thấp hơn 1.500 đồng/kg so với cách đây 3-4 tháng. Tuy nhiên, nông dân rất khó bán lúa vì vắng bóng thương lái (!?). Theo tính toán của ngành nông nghiệp, giá thành lúa hè thu hiện nay trên 3.500 đồng/kg. Với giá bán hiện nay, nông dân chỉ có lãi 14%-15%. Trong khi đó, theo tính toán của các nhà khoa học, mức lợi nhuận bán lúa phải trên 40%, nông dân mới đủ trang trải chi tiêu cho gia đình. Đến ngày 5-8, nông dân Hậu Giang đã thu hoạch gần xong 75.000 ha, năng suất đạt 5,4 tấn/ha (tương đương 400.000 tấn), cao hơn năm ngoái 300kg/ha.

Đồng bằng sông Cửu Long : Ứ đọng lúa hè thu… ảnh 1
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa hè thu trong lo lắng vì bán không được giá. Ảnh Cao Phong

Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp Hậu Giang, hiện còn hơn 300.000 tấn lúa tồn đọng trong nhà dân, rất khó bán! Ông Nguyễn Văn Thuấn, ấp Thanh Trì, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, Trà Vinh, cho biết: Cách đây 10 ngày thu hoạch 1 ha lúa được 5 tấn, thương lái đến nhà trả với giá 4.800 đồng/kg không bán, cố tình trữ lại chờ giá.

Thế nhưng, giờ thảm hại, không lời mà còn lỗ 500.000 đồng/tấn. Giá lúa tại các vùng sâu chỉ còn 4.200 – 4.300 đồng/kg, với giá này làm sao có lời. “Vua” lúa giống Dương Văn Châu (tỉnh Trà Vinh) bức xúc: “Giá lúa đã rớt từ 5.500 đồng còn 4.900 đồng. Trong khi đó chi phí làm đất, xuống giống, bón phân, phun thuốc và thu hoạch đã trên 26 triệu đồng/ha. Nếu sản lượng đạt 5 tấn/ha thì giá thành cũng xấp xỉ 5.000 đồng/kg, nông dân không thể có lời. Nhà nước nên sớm có chính sách hỗ trợ giá cho nông dân”.

Đồng bằng sông Cửu Long : Ứ đọng lúa hè thu… ảnh 2

Lúa hàng hóa đang ứ đọng rất lớn trong dân ở ĐBSCL.

“Trong những năm qua, ở Hậu Giang chưa bao giờ lúa hè thu rơi vào tình trạng ứ đọng như hiện nay. Nhiều chi tiêu như: trả nợ ngân hàng, phân bón, chuẩn bị cho con em nhập học… đang thúc ép. Nông dân chỉ có khả năng dự trữ lúa trong 15-30 ngày nữa” – ông Nguyễn Văn Đồng nhận định.

Trong khi đó, nông dân Hậu Giang đã xuống giống lại hơn 40.000 ha lúa thu đông (lúa vụ 3), hứa hẹn trúng mùa. Nhưng áp lực tiêu thụ lúa hàng hóa sẽ chồng chất. Tình hình lúa hàng hóa ứ đọng, khó bán sẽ tác động rất lớn khoảng 70% nông dân. “Chính phủ cần có những giải pháp can thiệp để giúp nông dân tháo gỡ khó khăn” – ông Đồng kiến nghị.

Doanh nghiệp vẫn “ngán” lãi suất ngân hàng!

Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mekong Cần Thơ, cho biết: “Tôi đồng tình về việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị mức chịu thuế xuất khẩu gạo từ 600 lên 800 USD/tấn. Nhưng hiện tại giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang giảm. Ngoài gạo thơm Jasmine thì hầu hết đều bị phía nhập khẩu chào giá thấp dưới 600 USD/tấn. Như vậy doanh nghiệp vẫn chưa đóng thuế. Cái khó hiện nay trong việc đẩy mạnh thu mua lúa của nông dân: Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL chưa giải phóng hết lượng gạo tồn kho rất lớn - vốn đã mua giá cao và chịu lãi suất ngân hàng khá cao.

Trong khi mặt bằng lãi suất vay hiện nay là 1,75%/tháng, hầu như doanh nghiệp không thể vay tiền để mua lúa gạo dự trữ hàng tháng được. Ông Hải cho rằng, chỉ dám đẩy mạnh thu mua lúa khi giải phóng hết lượng hàng tồn kho và có hợp đồng xuất khẩu mới. Các doanh nghiệp khác cho rằng: Chính phủ cần có chính sách điều hành ổn định. Phải biết trong nước có bao nhiêu gạo vào thời điểm cụ thể để bán đúng lúc người ta cần. Chứ khi khách hàng không cần thì kêu gọi đẩy mạnh xuất khẩu là rất khó cho doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm hiện nay. Lúc trước, giá gạo thế giới tăng vì nhu cầu cao trong khi nguồn cung trong nước dồi dào thì ngưng xuất khẩu. Đề nghị có biện pháp “xử lý” những trường hợp tham mưu “tréo ngoe”, gây thiệt hại cho nông dân. Thái Lan đã tranh thủ thời gian này xuất khẩu gạo với số lượng lớn, giá cao. Đây là một bài học…

“Hàng hóa nông sản ở ĐBSCL như: trái cây, mía, cá tra, cá basa... vào vụ đông ken rớt giá đã thành căn bệnh trầm kha trong nhiều năm qua. Nhưng chuyện lúa rớt giá và nông dân bán không được hiện nay là khá bất ngờ!” – TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định. Theo ông, cần xem xét lại vai trò và khả năng dự báo thị trường xuất khẩu gạo. Đặc biệt, hệ thống phân phối lúa gạo hiện nay là quá kém. Ít nhất chúng ta đã bỏ qua cơ hội vàng để xuất khẩu gạo cách đây mấy tháng. Trong chuỗi quản lý sản xuất lúa cũng cần xem xét lại: đất do Bộ Tài nguyên – Môi trường quản lý; kỹ thuật sản xuất, phòng chống dịch bệnh… do Bộ NN-PTNT đảm nhận và xuất khẩu gạo do Bộ Công thương điều tiết. Cần phối hợp nhịp nhàng để quy hoạch, sản xuất lúa, xuất khẩu gạo hiệu quả.

“Chuyện đánh thuế vào gạo xuất khẩu là cần thiết. Nhưng trong bối cảnh hiện nay cần cân nhắc. Vì nếu bị đánh thuế, doanh nghiệp buộc phải hạ giá thu mua lúa của nông dân. Không khéo, vô hình trung phần thuế này đánh vào chính nông dân!” - TS Lê Văn Bảnh kết luận. 

BÌNH ĐẠI – CAO PHONG


Giá gạo xuống thấp: Không nên làm to chuyện (?)

Liên quan đến vấn đề xuất khẩu gạo, ngày 5-8, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương, đã trao đổi với báo chí. Ông cho biết:

Thời gian qua, diễn biến giá gạo xuất khẩu rất thất thường, ngoài dự kiến. Có lúc giá gạo xuất khẩu lên tới 1.200 USD/tấn. Nhưng tôi xin nói, đây không phải là giá trị thực, mà là sốt ảo. Cũng giống như trong nước đã từng xảy ra sốt gạo ảo, giá gạo lên tới 20.000 đồng/kg. Vì vậy không nên tính toán hiệu quả kinh tế dựa trên những đột biến về giá trong vài ngày hoặc vài tuần, trong một thời gian rất ngắn. Hiện nay, giá gạo trên thế giới đang có sự điều chỉnh lại. Đó là do nhiều diễn biến về cung cầu trên thế giới.

Chúng ta đều biết, đầu năm nay nhiều nước bị thiên tai, hiện nay họ đã khắc phục xong và nhiều nước quay lại xuất khẩu gạo. Thay đổi về cung cầu này đã có tác động về giá. Vì thế, không thể nói là do công tác điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian qua đã gây thua thiệt về giá cho nông dân. Chúng ta không thể tính toán một cách cơ học như thế. Hiện nay, giá gạo đang thấp. Chúng tôi cũng rất chia sẻ điều này với doanh nghiệp và bà con nông dân.

Giá gạo trong nước đang xuống thấp, vì giá gạo xuất khẩu hiện nay ra thị trường thế giới thấp. Thứ hai, bao giờ giá gạo lúa hè thu cũng thấp hơn so với giá lúa gạo đông xuân (do gạo ẩm, phải sấy). Vì vậy, hiện nay Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đang bàn bạc các giải pháp để tăng thu mua gạo cho bà con nông dân, cũng như lên kế hoạch điều chỉnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Thủ tướng giao xuất khẩu 3,5 triệu tấn gạo đến hết tháng 9. Hiện nay chúng ta đã ký hết các hợp đồng ấy. Tới đây sẽ điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu.

Hiện Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT cũng đã bàn để chỉ đạo doanh nghiệp tăng thu mua lúa gạo. Các giải pháp sẽ được đưa ra trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên quan điểm của tôi là giá cả thị trường diễn biến lúc thấp, lúc cao. Không nên vì giá xuống thấp mà làm to chuyện. Những thông tin này là không tốt cho mặt hàng gạo của Việt Nam.  

Q.PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục