Trúng tuyển nhưng không nhập học
Nhiều trường ĐH lớn sau khi công bố điểm trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, điểm học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực… với hàng ngàn thí sinh trúng tuyển lại đang đối mặt với thực tế tỷ lệ xác nhận nhập học (nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT năm 2020) quá ít.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM gọi 2.500 thí sinh trúng tuyển nhưng đến hết hạn, số xác nhận nhập học chưa tới 15%. Trong khi đó, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) công bố kết quả trúng tuyển 3.330 thí sinh, trong đó tuyển thẳng 116 thí sinh, ưu tiên xét tuyển 1.056 thí sinh và xét kết quả thi đánh giá năng lực là 2.158 thí sinh. Tuy nhiên, hiện số thí sinh xác nhận nhập học quá ít. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã thông báo trúng tuyển trên 2.000 thí sinh (không tính thí sinh xét tuyển theo thi đánh giá năng lực) nhưng chưa tới 50% xác nhận nhập học.
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, trường gọi nhập học 2.000 thí sinh nhưng ngày 17-9 chỉ có hơn 500 thí sinh xác nhận. Đợt này trường xét học bạ THPT nên nhập học khoảng 40% so với tổng số thí sinh trúng tuyển.
Trong khi đó, nhiều trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM và các trường khác như ĐH Công nghiệp, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Ngân hàng, Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM… số xác nhận nhập học đến nay cũng chỉ 30%-50% so với thí sinh trúng tuyển. Với nhiều trường đại học tư như Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Kinh tế Tài chính, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng… số thí sinh xác nhận nhập học chỉ khoảng 10%-40% so với số trúng tuyển.
Tăng chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp
Trước tình thế trên, hội đồng tuyển sinh nhiều trường ĐH đã đồng loạt điều chỉnh đề án tuyển sinh và tăng chỉ tiêu phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM) tuyển sinh theo 5 phương thức. Theo đề án ban đầu, trường xác định chỉ tiêu dao động từ 45% - 65% cho xét điểm thi tốt nghiệp. Đến ngày 15-9, trừ thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học các phương thức khác, trường còn khoảng 85% chỉ tiêu cho xét điểm thi (2.854 trên tổng số 3.349 chỉ tiêu). Theo TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng nhà trường, ngành thu hút sự quan tâm của thí sinh chỉ tiêu xét tuyển còn lại ít nhất 80%. Một số ngành, chỉ tiêu còn 100% như: triết học, nhân học, tôn giáo học, thông tin - thư viện…
Trường ĐH Kinh tế TPHCM tăng chỉ tiêu cho phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT lên 40% chỉ tiêu (khoảng 2.200 TS). Trước đây, phương thức này trường chỉ dành từ 10%-30%. Nhiều trường khác cũng đồng loạt đều chỉnh bằng cách tăng chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Trường ĐH Kiến trúc TPHCM còn gần 80% chỉ tiêu (1.236 thí sinh). Trường ĐH Mở TPHCM tăng từ 30% lên thành 70% chỉ tiêu. Trường ĐH Tài chính - Marketing TPHCM còn khoảng 60% chỉ tiêu (2.800 thí sinh), Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM còn 70% chỉ tiêu. Các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM như Trường ĐH Kinh tế - Luật cũng dành đến 60% chỉ tiêu (trên 1.200 thí sinh), Trường ĐH Bách Khoa dành đến 60% (khoảng 3.000 chỉ tiêu) cho xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT.
Ngày 17-9, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thông báo điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển giữa các phương thức, theo đó tăng chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 từ 50% lên tối thiểu 70%, xét kết quả học bạ THPT từ 50% giảm còn 25%. Điểm sàn xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 ngành công nghệ kỹ thuật ô tô và quản trị kinh doanh là 16, các ngành còn lại 15 điểm. Ngày 17-9, các trường ĐH đã công bố điểm sàn xét tuyển bằng điểm thi THPT, trong đó nhiều trường công bố điểm sàn từ 15-20 điểm.