Khu vực Đông Nam Á dựa quá nhiều vào tín dụng để duy trì tăng trưởng dẫn đến sự phụ thuộc lớn vào nguồn vốn nước ngoài. Cùng lúc, xuất khẩu gặp khó khăn do tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, gây thâm hụt mậu dịch, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP.
Giảm rủi ro
Theo trang Stratfor, dù các quốc gia ở Đông Nam Á có thể không phải trải qua các cuộc khủng hoảng tiền tệ như những năm cuối thập niên 1990 nhưng mỗi nước Đông Nam Á đang cảm nhận được tác động của chu kỳ điều chỉnh khác nhau, tùy theo cấu trúc kinh tế và rủi ro chính trị của riêng mình.
Trên thế giới, các nền kinh tế mới nổi đang chịu nhiều áp lực sau động thái giảm bớt gói kích thích tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Trên thực tế, giá trị của đồng real (Brazil), đồng rupi (Ấn Độ) và đồng rupiah (Indonesia) đã mất giá khoảng 10% trong 3 tháng qua, khiến mọi người liên tưởng lại các cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Mexico (1994), và châu Á (1997). Các cuộc khủng hoảng này đã làm cho nền kinh tế các nước rơi vào suy thoái kéo dài, dẫn đến bất ổn xã hội và thậm chí cả thay đổi chế độ. Các chính phủ trong khu vực sợ rằng nếu thanh khoản toàn cầu giảm mạnh cùng với tác động tiêu cực từ các nền kinh tế mới nổi khác có thể một lần nữa lại làm tổn hại đến các nền kinh tế Đông Nam Á.
Sau năm 1997, thành viên các nước ASEAN đã áp dụng một số biện pháp nhằm hạn chế khả năng dẫn tới một cuộc khủng hoảng tương tự. Mỗi quốc gia đã tích cực tăng dự trữ ngoại hối của riêng mình và ở mức độ thấp hơn là thông qua các quỹ tạo thanh khoản khu vực trong tình trạng khủng hoảng như quỹ được thiết lập với Sáng kiến Chiang Mai.
Từ năm 1997 - 2012, dự trữ ngoại hối của 10 nước ASEAN đã tăng từ khoảng 200 tỷ USD đến khoảng 800 tỷ USD. Đối với hầu hết các nước, số dự trữ này sẽ đủ bù đắp cho khoảng 7 - 8 tháng nhập khẩu, trong khi năm 1997, dự trữ ngoại hối chỉ đáp ứng được 3 hoặc 4 tháng nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các nước ASEAN đã áp dụng cơ chế trao đổi ngoại hối linh hoạt, khiến rủi ro khủng hoảng giảm bớt so với năm 1997, khi hầu hết các nước sử dụng biện pháp cố định tỷ giá.
Cái bóng của năm 1997
Tuy nhiên, việc đồng tiền đang giảm giá và nguồn vốn chạy khỏi thị trường là biểu hiện của rủi ro khủng hoảng tại các nền kinh tế này, điều đó cũng không thay đổi nhiều kể từ năm 1997. Dù nỗ lực giảm mức độ phụ thuộc vào thương mại ở một số quốc gia, tăng trưởng kinh tế các nước ASEAN vẫn phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu như xuất khẩu chiếm khoảng 31% GDP của Philippines, 80% GDP của Malaysia. Vì vậy, bất kỳ sự sụt giảm nào từ nhu cầu bên ngoài cũng tác động tiêu cực đến các nền kinh tế này.
Thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia hiện đã đạt gần 4,4% GDP trong quý 2-2013, mức cao nhất trong một thập kỷ do giá hàng hóa như than, đá, dầu cọ và đồng cũng như nhu cầu bên ngoài sụt giảm (nhất là từ Trung Quốc). Xuất khẩu hàng hóa chiếm khoảng 50% tổng xuất khẩu của đất nước, 40% nguồn thu của chính phủ. Thái Lan đã chuyển từ mức thặng dư sang thâm hụt tài khoản vãng lai tới 5,1% GDP.
Do phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nguyên liệu thô, chiếm khoảng 30% tổng xuất khẩu của Malaysia và 15% tổng xuất khẩu của Thái Lan, sự sụt giảm nhu cầu bên ngoài đã tác động tiêu cực cả 2 quốc gia này, buộc họ phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng.
Theo đó, Malaysia dự báo tăng trưởng kinh tế chỉ đạt từ 4,5% - 5% (giảm từ mức dự báo 5% - 6% trước đó) và Thái Lan dự báo kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng 3,8% - 4,3% (so với 4,2% - 5,3% trước đó). Khó khăn này dẫn tới nợ nước ngoài tăng mạnh ở cả 2 quốc gia. Tỷ lệ nợ của Malaysia đã đạt 53% GDP, còn Thái Lan là 40% GDP. Điều này không có nghĩa là sẽ sớm xảy ra khủng hoảng nhưng nó sẽ tác động đến niềm tin đầu tư, tạo nguy cơ rút vốn ồ ạt khỏi các thị trường này.
KHÁNH MINH (tổng hợp)