Đông Nam bộ đảm bảo hàng hóa phục vụ tết

Tết Dương lịch, thị trường hàng hóa sẽ sôi động hơn bởi niềm tin của người dân vào sự phục hồi kinh tế. Hiện tại, các địa phương đã hoàn tất kế hoạch chuẩn bị hàng hóa nên sẽ không có tình trạng thiếu hàng khan giá. 
Nguồn hàng được các kênh phân phối chuẩn bị đầy đủ
Nguồn hàng được các kênh phân phối chuẩn bị đầy đủ

Số liệu thống kê được Bộ Công thương công bố mới đây cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của cả nước trong 11 tháng năm 2020 đạt 4.590.702 tỷ đồng, tăng 2,03% so với cùng kỳ, trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 6,22% với sự tăng trưởng của nhóm hàng hóa thiết yếu.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), nhận định, thời điểm cuối năm, Tết Dương lịch, thị trường hàng hóa sẽ sôi động hơn bởi người dân tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế. 

Với dự báo trên, Bộ Công thương đã chỉ đạo ngành công thương các địa phương có kế hoạch cung ứng hàng hóa ổn định nhằm đảm bảo nhu cầu mua sắm cuối năm cho người dân; đồng thời triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại; phối hợp với các địa phương triển khai kích cầu nội địa để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Từ tháng 10-2020, các địa phương ở Đông Nam bộ đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, điển hình là TPHCM. Theo thông tin mới nhất từ Sở Công thương TPHCM, sở đã phối hợp với các sở ngành, làm việc với các DN để chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Theo đó, các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng tết trên 19.679 tỷ đồng, tăng hơn 652 tỷ đồng (3,43%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020, trong đó nguồn hàng bình ổn thị trường hơn 7.132 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết, tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị hơn 10.425 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường trên 4.172 tỷ đồng.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, lượng hàng chuẩn bị tiêu thụ tết năm nay tăng 4,4%-17,3% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 12%-21,2% so với Tết Canh Tý 2020. Tổng dự trữ trên do các DN thương hiệu mạnh, quy mô chi phối thị trường trong mảng phân phối như Saigon Co.op, Satra, Bách hóa Xanh, BigC, Aeon Citimart… và các đơn vị cung ứng chủ lực hàng lương thực, thực phẩm như Vissan, Sagrifood (thịt gia súc), Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt (trứng gia cầm); Foodcosa, Vinh Phát, Tấn Vương (gạo)… thực hiện.

Các địa phương khác như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã hoàn tất kế hoạch sản xuất, dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu để phục vụ cho nhu cầu mua sắm dịp tết sắp đến.

Cụ thể, tỉnh Tây Ninh đã huy động hơn 180 tỷ đồng để sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm tết cho khoảng 1,3 triệu dân Tây Ninh và người nhập cư trên địa bàn.

Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Theo kế hoạch, chương trình bình ổn thị trường được thực hiện với 12 mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm, dầu ăn, nước chấm…

Theo đánh giá của ngành công thương khu vực miền Nam, với kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng sớm và được các DN tích cực triển khai, hàng tết năm nay sẽ dồi dào về số lượng, nhiều mặt hàng mới ra mặt người tiêu dùng với chất lượng cao, bao bì đẹp, đa dạng mẫu mã. Dự báo, thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ đảm bảo cân đối cung cầu, khó xảy ra tình trạng khan hàng, đầu cơ, tăng giá bất thường.

Với sự chỉ đạo sát sao của các bộ ngành, địa phương, sự chuẩn bị sớm và chủ động của các DN, hộ kinh doanh, Vụ Thị trường trong nước nhận định, cung cầu, giá cả hàng hóa sẽ ổn định, không có biến động bất thường, đồng thời đề nghị sở công thương các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-BCT ngày 30-10-2020 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Tin cùng chuyên mục