Dự báo năm 2024 vẫn thiếu điện

Các chuyên gia điện lực dự báo, năm 2024-2025 vẫn có thể xảy ra thiếu điện do tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện hiện rất cao nhưng nguồn bổ sung chưa kịp đáp ứng; phải tiếp tục đẩy mạnh tiết kiệm điện ngay từ bây giờ để chuẩn bị các giải pháp ứng phó.
Dự báo năm 2024 vẫn thiếu điện
Hội nghị tiết kiệm điện mùa nắng nóng ngày 18-8

Hội nghị tiết kiệm điện mùa nắng nóng ngày 18-8

Ngày 18-8, tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo tiết kiệm năng lượng và Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và đào tạo - đơn vị được Bộ Công thương giao chủ trì Mạng lưới Tiết kiệm điện Việt Nam, đã tổ chức hội nghị tổng kết tiết kiệm điện mùa nắng nóng 2023, đồng thời dự báo một số xu thế trong các năm tiếp theo.

Đại diện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh, cho biết, 7 tháng năm 2023, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của cả nước tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng do công suất tiêu thụ cực đại và phụ tải đều tăng rất cao, kết hợp tác động của El Nino và một số nhà máy nhiệt điện gặp sự cố, dẫn đến thiếu điện ở miền Bắc và cả miền Nam (thiếu hụt công suất đỉnh ở một số giờ cao điểm).

Ông Trần Viết Nguyên trả lời câu hỏi của báo chí

Ông Trần Viết Nguyên trả lời câu hỏi của báo chí

Nhận định tình hình 5 tháng cuối năm 2023, ông Nguyên cho biết, cung ứng điện có thể tăng trưởng 9,9% so với cùng kỳ (lũy kế cả năm dự kiến tăng trưởng 5,5% so với năm 2022) nên cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm nay được đảm bảo.

Tuy nhiên, ông Nguyên nhận định, cung ứng điện trong các năm 2024-2025 sẽ tái diễn những khó khăn, thiếu hụt do phụ tải tiếp tục tăng cao (dự báo tăng 9% mỗi năm, tương ứng công suất tăng khoảng 4.000-5.000MW mỗi năm). Trong khi nguồn điện dự kiến bổ sung vận hành trong năm 2024 chỉ có 1.950MW và 3.770MW năm 2025 (chủ yếu tập trung tại miền Trung và miền Nam). Do đó, miền Bắc có thể tiếp tục thiếu điện trong mùa hè năm sau, vì công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp, nhu cầu điện tiêu thụ ở miền Bắc tăng 10% mỗi năm. Dự báo tháng 6 và 7-2024, miền Bắc thiếu khoảng 420-1.770MW.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo tiết kiệm năng lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), để ứng phó với nguy cơ thiếu điện trong các mùa nắng nóng tiếp theo, phải thực hiện thật hiệu quả chương trình tiết kiệm điện thành thói quen và ngay từ bây giờ phải bắt tay thực hiện các giải pháp để chuẩn bị cho năm tới.

Những giải pháp mà ông Vũ đề xuất như: đề nghị cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm triệt để, thay đổi tư duy, sử dụng các thiết bị tiêu hao ít điện; đổi mới trang thiết bị, máy móc tiêu thụ ít điện năng hơn, sắp xếp lại dây chuyền sản xuất… Theo ông Vũ, ngành sản xuất công nghiệp chiếm tới 50% mức tiêu thụ điện, nhưng tiềm năng tiết kiệm điện còn rất lớn.

Thông tin từ EVN cho biết, bằng việc phát động phong trào triệt để tiết kiệm điện trên cả nước, nhất là khi có chỉ thị của Thủ tướng thì kết quả tiết kiệm điện đã chuyển biến rõ. Thống kê từ ngày 17-5 đến 16-6, cả nước đã tiết kiệm được hơn 226 triệu kWh (chỉ tính riêng cho các nhóm khách hàng: hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm). “Tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng” chính là một trong lời giải cho những bài học thiếu điện đã xảy ra và để lường trước, ứng phó với các tình huống cực đoan có thể xảy ra trong những năm sau.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, mục tiêu đặt ra giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo là mỗi năm cả nước tiết kiệm được tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Phấn đấu đến năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Đây cũng chính là chiến lược đảm bảo cân bằng cung cầu điện, giảm thiểu nguy cơ thiếu điện khi tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện có xu thế cao (9,6%) hơn cả tăng trưởng kinh tế.

Tin cùng chuyên mục