Vào những ngày cuối cùng của năm Tân Mão, một bản báo cáo mang tên “The world in 2050” (Thế giới năm 2050) được công bố, trong đó, chuyên gia kinh tế Karen Ward của Ngân hàng Anh quốc HSBC nhận định rằng, đến thời điểm đó - tức là còn 38 năm nữa - Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 50 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo đó, Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo trên 5% mỗi năm khá ổn định trong vòng gần 40 năm tới. Năm 2050, nước ta sẽ đứng ở vị trí thứ 41 với quy mô GDP 451 tỷ USD (theo tỷ giá USD của năm 2000) và thu nhập bình quân đầu người đạt 4.355 USD/năm. Điều này – nếu trở thành hiện thực – đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ vượt qua Singapore về quy mô GDP. Đảo quốc Sư tử được xếp ở vị trí 42, ngay sau Việt Nam, với quy mô GDP 441 tỷ USD, mặc dù vẫn còn bỏ xa Việt Nam về GDP bình quân đầu người, đạt 84.405 USD/năm. Nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cũng chiếm thứ hạng cao trong bảng xếp hạng dự báo này. Malaysia được nhận định sẽ đạt quy mô GDP 1,2 ngàn tỷ USD vào năm 2050, đứng thứ 21 trên thế giới. Indonesia được cho là sẽ đứng ở vị trí thứ 17 với GDP 1,5 ngàn tỷ USD, trong khi Philippines được dự báo đạt GDP 1,7 ngàn tỷ USD, xếp vị trí thứ 16…
Tất nhiên, mọi dự báo đều có sai số, kể cả khi người đưa ra dự báo là một nhân vật thực sự lỗi lạc, huống hồ đây là một “lời tiên tri” có tầm nhìn dài hạn. Nhà kinh tế David M. Smick, tác giả cuốn sách “Thế giới cong” từng kể lại, khoảng những năm 70, ông đã được tiếp cận Herman Kahn, một người được nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ lúc đó coi là siêu thiên tài về những hiểu biết toàn diện, thấu đáo và dự đoán thần kỳ. Kahn đứng đầu một nhóm chuyên gia nghiên cứu chuyên tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách. Và một dự đoán đầy tự tin của ông, cũng cho khoảng gần 40 năm sau: đến thập niên đầu thế kỷ XXI, một nước sẽ nổi lên như một cường quốc công nghiệp chi phối toàn bộ thế giới. Không phải Trung Quốc, không phải Ấn Độ. Đó là… nước Pháp!
Gần đây hơn, tháng 3-2009, Economist Intelligence Unit (EIU) - cơ quan thông tin kinh tế thuộc The Economist (Anh), tạp chí kinh tế hàng đầu thế giới - đưa ra một dự báo gây sốc nặng: tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể chỉ đạt 0,3% trong năm 2009. Kết quả, cuối năm 2009, tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 5,2%! (Năm 2012, tổ chức này dự báo thận trọng hơn nhiều: tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 5,8% - thấp hơn không nhiều so với mục tiêu tăng trưởng từ 6%-6,5% mà Chính phủ Việt Nam đặt ra). Cũng từ kinh nghiệm của The Economist, đôi khi những dự báo chính xác nhất lại được đưa ra bởi những người bất ngờ nhất: không phải các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý hay lãnh đạo các công ty khổng lồ, mà là từ… những người quét rác thành Luân Đôn. Họ đã từng tỏ ra cực kỳ xuất sắc trong một cuộc khảo nghiệm phán đoán về giá dầu – thứ khó dự báo còn hơn thời tiết.
Sự hấp dẫn của những dự báo nằm ở chỗ đó. Vì thế mà hãy cùng hy vọng những dự báo tươi sáng của HSBC trở thành hiện thực và dĩ nhiên trong lúc chờ kiểm định dự báo đó, toàn bộ nền kinh tế vẫn phải cố gắng hết sức để đảm bảo sự tăng trưởng ổn định và bền vững.
ANH THƯ