Du khách quay trở lại - những tín hiệu tích cực của du lịch Việt

Cùng với chủ trương nới lỏng giãn cách và mở cửa từng bước trong trạng thái bình thường mới, ngành du lịch Việt Nam đang dần khôi phục các hoạt động. Những đoàn du lịch khách quốc tế quay trở lại Việt Nam theo chương trình thí điểm đón khách quốc tế theo hộ chiếu vaccine là những tín hiệu tích cực để ngành công nghiệp không khói có thể vực dậy sau thời gian trầm lắng vì dịch Covid-19.

Những con số đầy khích lệ

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh thông báo, 978 khách quốc tế đã đến Việt Nam theo chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine. Đây là tín hiệu khích lệ lớn với những người làm du lịch.

“Khôi phục, mở cửa thị trường quốc tế của du lịch Việt Nam là dấu ấn thể hiện du lịch Việt Nam sẵn sàng hội nhập, tham gia vào thị trường toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh”, ông Nguyễn Trùng Khánh nêu.

Tính đến hết 29-11, 3 địa phương là: Quảng Nam, Phú Quốc (Kiên Giang) và Khánh Hòa đón gần 1.000 khách quốc tế theo kế hoạch thí điểm hộ chiếu vaccine. Dự kiến, tới hết năm 2021, Khánh Hòa dự kiến đón 9.400 lượt khách quốc tế, Đà Nẵng dự kiến đón 11.500 lượt.

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Thái Lan đã thành công với mô hình đón khách quốc tế Phuket Sandbox. Thái Lan mở rộng đón khách đến từ 63 quốc gia, vùng lãnh thổ và mở rộng đón khách tới các địa phương của đất nước này.

“Sắp tới, Tổng cục Du lịch Việt Nam và Thái Lan có cuộc họp về trao đổi khách quốc tế ở giai đoạn 2 thí điểm đón khách quốc tế. Trước hết, chúng tôi sẽ thực hiện trao đổi khách quốc tế với Thái Lan - thị trường nguồn khách quốc tế trong khu vực. Tháng 12, một đoàn khách Thái Lan sẽ sang Việt Nam. Sự trao đổi khách quốc tế ở mô hình này có thể nhân rộng trong thời gian tới”, ông Khánh nói và cho biết, không riêng khách quốc tế, thị trường nội địa cũng có dấu hiệu khởi sắc.

Du khách quay trở lại - những tín hiệu tích cực của du lịch Việt ảnh 1 Những vị khách quốc tế đầu tiên quay trở lại sau một thời gian dài ngắt quãng vì Covid-19 đã đem lại nhiều tín hiệu mới cho ngành du lịch. Ảnh: VIẾT CHUNG
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, việc Việt Nam bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế đã "mở ra bước ngoặt mới" cho ngành du lịch và các doanh nghiệp. "Trong bối cảnh cả nước bước vào giai đoạn mới, bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị để chuyển sang trạng thái mới, từ nghiệp vụ đến kiến thức và nhận thức" - ông Bình nhấn mạnh.

Để nắm bắt các cơ hội cho phục hồi ngành du lịch, tất cả cùng chung tay tìm kiếm những giải pháp theo phương châm "Du lịch an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn". Cùng với việc quay trở lại của du khách quốc tế, thị trường du lịch nội địa trước hết mở cửa cho các hoạt động phục vụ khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho các hoạt động du lịch, đồng thời có những biện pháp xử lý sự cố y tế phát sinh, tiến tới trao đổi khách giữa các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19 và mở rộng hoạt động du lịch nội địa. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết, một số địa phương công bố những con số đầy hy vọng: Khánh Hòa đón hơn 522.000 lượt, tăng mạnh so với tháng trước. Hà Nội phục vụ hơn 300.000 lượt, Quảng Ninh đón hơn 170.000 lượt…

Hiện, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với một số điểm đến trọng điểm như Phú Quốc, Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt mở cửa đón thêm nhiều đoàn khách quốc tế tới Việt Nam trong tháng 12. Tổng cục sẽ tham mưu cho Bộ VH-TT-DL khởi động chương trình phục hồi du lịch nội địa “Du lịch an toàn - trải nghiệm trọn vẹn” kèm theo chương trình kích cầu cuối năm và kéo dài sang năm 2022…

Bên cạnh việc xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, thích ứng với tình hình mới, du lịch cũng rất cần những chính sách ổn định, lâu dài. Ảnh: VIẾT CHUNG 
Cần nhiều giải pháp bền vững

Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours chia sẻ, mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương sẽ căn cứ vào đặc thù, hoàn cảnh riêng của mình, thị trường mục tiêu để tìm cho mình một con đường phù hợp trong từng giai đoạn. Song, hoạt động kinh doanh trong điều kiện bình thường mới nên lưu ý tuân thủ và đề cao yếu tố an toàn; tạo sự linh hoạt trong cung ứng và tổ chức dịch vụ như xây dựng sản phẩm cần phải tính toán theo hướng mở, thuận lợi xử lý, điều chỉnh linh hoạt; chủ động của khách hàng trong việc tạo sản phẩm của mình. Đồng thời cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự kinh doanh của doanh nghiệp du lịch cần thay đổi.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, thời gian tới, các chuyên gia trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, lịch sử, y tế môi trường, nhân chủng học, tâm lý kỹ năng sống… sẽ có sự hợp tác rất chặt chẽ với những người làm du lịch. Tính sáng tạo, giá trị chuyên môn sẽ được đề cao hơn các yếu tố về giá cả.

Bên cạnh những giải pháp, khó khăn được các doanh nghiệp đưa ra thì những sản phẩm cũng được trình bày tại diễn đàn lần này như: du lịch văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng, trong đó có du lịch biển; du lịch vùng núi và cao nguyên; du lịch tại khu vực có tài nguyên tự nhiên khác như: du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, chuyển đổi số và sản phẩm du lịch…

Cùng với việc đổi mới sản phẩm, xây dựng sản phẩm mới thích ứng, nhiều đại diện doanh nghiệp đề nghị có được chỗ dựa vững chắc từ chính sách đồng bộ. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel đề xuất phải có được chính sách đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, giữa các địa phương với nhau để tránh hiện tượng “quay xe” như vừa rồi.

Trong giai đoạn Chính phủ cho phép mở cửa trở lại, chính sách Trung ương thông thoáng nhưng mỗi địa phương "một phách" khiến doanh nghiệp hoang mang, gặp rất nhiều hàng rào kỹ thuật. Ông Kỳ đề xuất cần có chiến lược phát triển bền vững lâu dài, nhất quán tránh “sáng nắng, chiều mưa”, có như vậy doanh nghiệp mới có thể xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch.

Du khách quay trở lại - những tín hiệu tích cực của du lịch Việt ảnh 3 Để khôi phục du lịch bền vững cần nhiều giải pháp đồng bộ từ chính doanh nghiệp và các đơn vị quản lý
Chia sẻ với doanh nghiệp về những khó khăn trong thời điểm này, TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đưa ra những khuyến nghị chính sách, giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam. Cụ thể như: Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, việc làm và đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch để nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch; kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm giá điện, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiếp tục kéo dài chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế của doanh nghiệp đến hết năm 2023; hỗ trợ bằng tiền mặt người lao động trong lĩnh vực du lịch tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ đào tạo, đào tại lại, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch để phục hồi sau đại dịch Covid-19;…

Trước những thiệt hại vô cùng nặng nề mà đại dịch Covid-19 đã gây ra với ngành du lịch, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết đã và sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ những chính sách về thuế, chính sách tín dụng và chính sách an sinh xã hội cho doanh nghiệp, người lao động trong ngành.

Tin cùng chuyên mục