Dự kiến thí điểm cho cán bộ làm việc tại nhà: Cải cách nền công vụ, nâng chất phục vụ người dân

TPHCM dự kiến thí điểm cơ chế cho phép cán bộ làm việc tại nhà đối với cán bộ công tác ở các vị trí việc làm không tiếp xúc với công dân. Cơ chế này được kỳ vọng góp phần cải cách nền công vụ, thu hút nhân tài vào khu vực công, cũng như nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chủ động giải quyết công việc

UBND TPHCM vừa giao Viện Nghiên cứu phát triển thành phố chủ trì nghiên cứu xây dựng dự thảo Đề án “Xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030”. Theo dự thảo đề án, TPHCM dự kiến sẽ thí điểm mô hình thuê nhân sự quản lý để giảm áp lực cho cán bộ tập trung nhiệm vụ chuyên môn chính được phân công. Đồng thời, thí điểm cơ chế cho phép cán bộ làm việc tại nhà đối với cán bộ công tác ở các vị trí việc làm không tiếp xúc với công dân nếu đáp ứng được các điều kiện cụ thể.

Cán bộ, công chức UBND quận 1 (TPHCM) tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp

Cán bộ, công chức UBND quận 1 (TPHCM) tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp

Hồi tháng 7-2023, khi mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) chính thức tăng từ 1,4 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/ tháng, chị Huỳnh Thị Thúy Hồng, công chức Phòng Tài chính - Kế toán, UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân phải cập nhật dữ liệu, điều chỉnh tiền lương cho hơn 1.000 CB-CC-VC, người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn; làm thủ tục thanh quyết toán chi phí điện, nước… cho các khu phố. Không chỉ những đợt tăng lương chung, khi đến kỳ tăng lương của cán bộ, chị Hồng cũng mất nhiều thời gian để nhập liệu. Khi nghe tin TPHCM dự kiến thí điểm cho CB-CC-VC một số lĩnh vực làm việc tại nhà, chị Hồng rất ủng hộ. Theo chị Hồng, công việc kế toán ngoài những ngày tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ của các đơn vị gửi đến thì phần lớn thời gian là xử lý dữ liệu.

“Nếu được làm việc tại nhà thì sẽ có nhiều thuận lợi cho cán bộ phải xử lý dữ liệu, cũng như tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại. Hơn nữa, khi có không gian thoải mái để làm việc thì cán bộ sẽ có điều kiện để sáng tạo hơn”, chị Hồng bày tỏ. Bà Hồ Thị Lệ Thanh, chuyên viên Văn phòng UBND quận 1, cũng phấn khởi với đề án nói trên. Theo bà Thanh, nếu triển khai thành công chính sách này sẽ giúp CC-VC chủ động sắp xếp và giải quyết công việc.

Công chức phường An Phú Đông, quận 12 giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân Ảnh: NGÔ BÌNH

Công chức phường An Phú Đông, quận 12 giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân Ảnh: NGÔ BÌNH

Tuy nhiên, bà cũng băn khoăn, nếu cùng một vị trí thì ai sẽ được bố trí làm việc tại nhà, ai sẽ phải đến cơ quan làm việc. Bên cạnh đó là hệ thống cơ sở dữ liệu phải liên thông, đảm bảo kết nối thông tin để công chức ngồi ở nhà cũng giải quyết được công việc. Đặc biệt, nhiều CC-VC băn khoăn về việc kiểm tra, giám sát cũng như đánh giá chất lượng thực thi công vụ. “Theo chủ trương thành phố đang xây dựng, dù các vị trí không tiếp xúc trực tiếp với người dân mới được làm việc tại nhà, song đó vẫn là giải quyết việc của dân. Nếu không có cơ chế kiểm tra, giám sát thì rất dễ phát sinh tiêu cực”, bà Thanh nói.

Hình thành phương thức làm việc hiệu quả

Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vào năm 2021, TPHCM đã áp dụng bố trí cho cán bộ làm việc tại nhà và đã phát huy được hiệu quả trong phục vụ nhân dân. Trong đó, UBND quận 1 đã linh hoạt thực hiện phân công nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết công việc hành chính cho người dân và doanh nghiệp theo phương án vừa có cán bộ trực sẵn sàng giải quyết công việc “3 tại chỗ”, vừa phân công, giao việc cho CB-CC được trực tại nhà thông qua phần mềm “văn phòng điện tử”, email công vụ và các ứng dụng mạng xã hội…

Phương án làm việc này đã phát huy được hiệu quả trong giai đoạn phòng chống dịch. Theo UBND quận 1, “làm việc từ xa”, “làm việc tại nhà” là một xu hướng đang được áp dụng rộng rãi. Việc TPHCM thí điểm áp dụng phương thức trên là tất yếu khách quan, sẽ được áp dụng tại một số đơn vị, trên một số lĩnh vực để có sự chuyển biến dần, hình thành nên phương thức làm việc mới hiện đại, hiệu quả hơn.

Xu hướng làm việc tại nhà trên thế giới Theo tờ USA Today, Mỹ là một trong số những quốc gia có tỷ lệ người lao động thích làm việc tại nhà nhiều nhất trên thế giới. Cuộc khảo sát về giá trị của làm việc từ xa của FlexJobs, một trang web làm việc từ xa của Mỹ, cho thấy, những người làm việc tại nhà có mức chi tiêu ít hơn khoảng 6.000 USD/năm so với những nhân viên làm việc tại văn phòng. Công ty tư vấn toàn cầu Staffingindustry cho biết, các công ty Mỹ có thể tiết kiệm hơn 500 tỷ USD/năm với công việc tại nhà. Theo thống kê của trang tin Axios, hiện có khoảng 15% người Mỹ làm việc tại nhà, nhưng con số này có thể cao hơn nhiều do chưa có sự thống kê đầy đủ. TP Boulder, Colorado có tỷ lệ 32% người lao động làm việc từ xa; 25% lao động ở Washington, D.C. chọn làm việc từ xa.

Tại châu Âu, nghiên cứu phân tích dữ liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (EUROSTAT) cho thấy, Hà Lan có tỷ lệ lao động làm việc tại nhà cao nhất (trên 50%). Mùa hè năm ngoái, Quốc hội Hà Lan đã thông qua luật quy định làm việc tại nhà như một quyền hợp pháp, khiến Hà Lan trở thành một trong những quốc gia đầu tiên cho phép linh hoạt làm việc từ xa. Ireland đang áp dụng hình thức làm việc tại nhà với tốc độ nhanh nhất trong Liên minh châu Âu. Năm 2019, chỉ 7% lực lượng lao động Ireland làm việc tại nhà, con số này tăng lên 25% vào năm 2022. Theo sau Ireland là Malta, Hà Lan, Đức và Pháp.

PHƯƠNG NAM

TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TPHCM, đánh giá, chủ trương của TPHCM thí điểm cho CB-CC-VC làm việc tại nhà là chủ trương đúng, tiệm cận với nền công vụ mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Nếu TPHCM thực hiện chủ trương này có thể sẽ giúp nâng cao hiệu quả đối với các công việc hành chính mang tính chuyên sâu, khi khuyến khích được tính chủ động, sáng tạo. Đồng thời, đổi mới phương thức quản trị nhân sự trong khu vực công, góp phần tiết kiệm chi phí văn phòng…

Tuy nhiên, thành phố có thể gặp một số khó khăn, như tính đồng thuận về nhóm công việc, nhóm công chức được làm việc tại nhà ở từng cơ quan, đơn vị; đảm bảo công bằng trong đánh giá kết quả công việc; quản lý, đánh giá công chức khi tác nghiệp thường xuyên ngoài cơ quan, đơn vị… TS Bùi Ngọc Hiển cho rằng, để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện chủ trương này, cần quy định cụ thể những công việc, những vị trí việc làm được làm việc tại nhà. Xây dựng cơ chế quản lý công chức làm việc tại nhà, trong đó chú trọng quy định về cơ chế đánh giá kết quả, hiệu quả công việc; chế tài trách nhiệm; tính kỷ luật, trách nhiệm của công chức. Cùng với đó, đảm bảo các điều kiện để công chức làm việc tại nhà như hạ tầng số, xây dựng chính quyền số; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện.

Ông LÊ ĐỨC THANH, Chủ tịch UBND quận 1:

Thay đổi tư duy về giao việc

Khi áp dụng thí điểm cơ chế cho cán bộ làm việc tại nhà cần phải có khung pháp lý quy định rõ hơn trên cơ sở “đề án vị trí việc làm” của từng CB-CC, khung tiêu chí đánh giá hiệu quả mức độ hoàn thành nhiệm vụ, phần mềm quản trị công việc dùng chung, cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin… Bên cạnh đó, điều quan trọng là sự thay đổi quan niệm, tư duy về giao việc, giám sát công việc trong giai đoạn hiện nay. Trước đây, giao việc, giám sát công việc bằng hình thức trực tiếp, thường xuyên, thông qua phương tiện là báo cáo, các cuộc họp; giờ đây giao việc, giám sát công việc phải bằng nhiệm vụ đầu - cuối, giám sát bằng kết quả cuối cùng, hạn chế dần việc giám sát bằng hình thức trực tiếp.

Ông TRẦN HOÀNG DŨNG, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân:

Phải cam kết tiến độ, hiệu quả công việc

Chủ trương thí điểm cho CB-CC-VC một số bộ phận làm việc tại nhà nếu đáp ứng được các điều kiện là chính sách đúng và phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng nền hành chính, chất lượng phục vụ nhân dân. Một số vị trí ở phường như kế toán, thực hiện công tác giảm nghèo, dân số, kế hoạch hóa gia đình nếu làm việc tại nhà vẫn đảm bảo được hiệu quả công việc. Tuy nhiên, để làm việc tại nhà thì cán bộ phải đáp ứng được các điều kiện nhất định như đăng ký, cam kết hoàn thành nhiệm vụ với lãnh đạo phường. Đồng thời, sắp xếp thời gian làm việc tại nhà và trực tiếp tại công sở phù hợp để giải quyết công việc hiệu quả.

THU HƯỜNG - NGÔ BÌNH ghi

Tin cùng chuyên mục