Du lịch TPHCM thu hút khách bằng trải nghiệm mới

TPHCM vừa tổ chức đón vị khách quốc tế thứ 7 triệu trong năm 2018. Theo kế hoạch, đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến thành phố phấn đấu đạt 20% - 25%/năm, với khoảng 10 triệu lượt khách, đóng góp 11% trở lên vào cơ cấu GRDP của thành phố. Để đạt mục tiêu đề ra, ngành du lịch đã và đang làm mới, giới thiệu các sản phẩm du lịch độc đáo nhằm hấp dẫn du khách. 

Một Sài Gòn rất riêng, đầy mới lạ

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Sài Gòn - TPHCM, nhưng không phải ai cũng cảm nhận được hết vẻ đẹp của vùng đất này. Dưới góc nhìn mới, các tour du lịch “quen mà lạ” của ngành du lịch TPHCM đã khiến không ít du khách “chính gốc Sài Gòn hoặc ở Sài Gòn hàng chục năm” vẫn cảm thấy háo hức.

Chị Nguyễn Ngọc Trà My (quận 2) tâm sự: “Mặc dù ở Sài Gòn đã lâu nhưng mình chưa có chuyến trải nghiệm nào thú vị như vậy cho đến khi tham gia các tour du lịch mới. Bạn có thể chụp hình tự sướng (selfie) để lấy trọn biểu tượng TPHCM với tòa nhà Bitexco - Financial Tower hoặc tòa nhà The Landmark 81 tầng đầy mê hoặc, trong không gian sông nước Sài Gòn bảng lảng hơi sương. Hoặc bạn cũng có thể trải nghiệm chuyến tham quan TPHCM - rừng phòng hộ Cần Giờ - đảo khỉ (2 ngày 1 đêm - đi tàu cao tốc, về bằng ô tô), được lội bùn, bắt cá thòi lòi, bắt ốc len ở rừng ngập mặn… là một trải nghiệm rất  khó quên”.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, hiện đang có 8 chùm tour được triển khai tại TPHCM: Sài Gòn - Chợ Lớn; Sài Gòn - Lăng Lê Văn Duyệt; TPHCM - Khu du lịch sinh thái Vàm Sát; Củ Chi - Bưu điện TP - Nhà thờ Đức Bà - Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi - Nhà hàng Bến Đình; du lịch TPHCM về đêm: Bưu điện TP - Nhà thờ Đức Bà - Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - Tàu nhà hàng Indochina Queen. Song song đó, Sở Du lịch TPHCM cũng kết nối với Hiệp hội Du lịch, hãng lữ hành tổ chức các chương trình giảm giá, kích cầu tiêu dùng ở mức giảm từ 15% trở lên trong tháng 12-2018 và hết năm 2019.

Du lịch TPHCM thu hút khách bằng trải nghiệm mới ảnh 1 Du khách trải nghiệm tham quan rừng phòng hộ Cần Giờ
Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Võ Kim Khôi, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Vàm Sát, cho biết Cần Giờ đang chứa đựng những giá trị sinh thái mà không phải người dân nào cũng biết.

Chẳng hạn, Khu du lịch sinh thái Vàm Sát đang bảo tồn dơi nghệ, vào mùa chim làm tổ từ tháng 4 đến tháng 12, nơi đây quy tụ khoảng 70.000 cá thể chim với 26 loài. Thêm nữa, nơi đây cùng với Củ Chi là đơn vị duy nhất ở nước ta xây dựng mô hình bảo tồn giống cá sấu hoa cà, cá sấu Xiêm theo phương thức bán hoang dã (tức là chỉ xây bờ bao cho cá sấu, không gian còn lại hoàn toàn hoang dã).

Khu Du lịch sinh thái Vàm Sát mỗi năm đón khoảng 30.000 lượt du khách đến tham quan, trong đó khách quốc tế đến nhiều nhất là khách Nhật Bản. Du khách quốc tế đến Vàm Sát rất thích các tour khám phá rừng ngập mặn, tour trồng rừng, bắt cá…

Níu khách bằng sự tận tâm, cầu thị

Chị Lê Mai Quyên (Việt kiều Úc, từng đến TPHCM nhiều lần) góp ý rằng du khách rất tinh tế. Họ không chỉ quan tâm đến tổng thể mà còn chú ý đến thái độ phục vụ của điểm đến, sự chỉn chu, gọn gàng của một tour du lịch. Nếu đơn vị cung ứng tour làm qua quýt, không quan tâm đến nhu cầu thực của khách sẽ khó để họ có thể gắn bó dài lâu. Tùy từng đối tượng du khách (Nhật Bản, Hàn Quốc hay nội địa, dân thường hay người kinh doanh) để có những thiết kế tour thực sự phù hợp.

Trao đổi thêm, ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty Thuyền buồm Đông Dương, nhìn nhận sông Sài Gòn về đêm đẹp lung linh, quyến rũ vô cùng, chẳng khác nào sông Seine (Pháp) đầy thơ mộng. Thế nhưng, bến bãi chính là điều trăn trở, khi mà doanh nghiệp có thuyền nhưng không có bến đậu phù hợp, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ du khách tham quan sông Sài Gòn. 

Bàn về các sản phẩm du lịch mới, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, Sở Du lịch TPHCM đã phải cân nhắc khá lâu mới triển khai 8 tour du lịch nêu trên. Hiện sở vẫn tiến hành giám sát gắt gao chất lượng dịch vụ sản phẩm nhằm xử lý kịp thời những nghi ngại, vướng mắc cho du khách.

“Sở Du lịch luôn xác định rằng chất lượng chính là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp, mà bài học này các doanh nghiệp (DN) của nước láng giềng, điển hình là Thái Lan, đã làm rất tốt”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói. 

Ngoài ra, trong thời buổi hiện nay, các chuyên gia du lịch cũng nhấn mạnh tới yếu tố ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển du lịch thành phố.

Ở góc độ DN, đại diện Saigontourist thông tin đơn vị đã tiến hành xúc tiến, quảng bá du lịch qua nhiều kênh khác nhau để bạn hàng, đối tác, du khách biết đến du lịch Việt Nam, trong đó có TPHCM. Chẳng hạn như thông qua fanpage, website, blogger du lịch, xây dựng cơ sở dữ liệu chăm sóc khách hàng…

Về phía Sở Du lịch, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, ngoài các kênh thông tin truyền thống (báo, đài truyền hình, đài phát thanh), sở còn tận dụng triệt để các mạng xã hội, những blogger du lịch trong nước và quốc tế, mạng điện tử… để quảng bá cho du lịch TPHCM nói riêng, du lịch nước ta nói chung.

Hiện tại TPHCM đã và đang có những động thái tích cực thúc đẩy ngành du lịch phát triển; đồng thời cũng sẵn sàng bắt tay hợp tác, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của từng DN để có những điều chỉnh cho phù hợp. Tuy vậy, nói như một DN thì thành phố cần hạn chế tối thiểu những trường hợp lắng nghe rồi… để đó, khiến DN phải vất vả ngược xuôi để giải quyết vấn đề. Nếu muốn phát triển du lịch thực sự, người làm du lịch cần lắm sự tận tâm, cầu thị.

Tin cùng chuyên mục