Ngày 22-1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chủ trì buổi tọa đàm góp ý Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia 2015 (dự thảo). Hơn 100 đại diện đến từ 40 trường ĐH-CĐ, các sở GD-ĐT tại phía Nam và hiệu trưởng các trường THPT đã tham dự cùng góp ý kiến.
PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, nêu ý kiến về giải pháp kỹ thuật và chính sách của kỳ thi.
Nhiều băn khoăn
PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM trình bày hai vấn đề liên quan đến dự thảo: “Thứ nhất, về chính sách của kỳ thi, tôi xin Bộ GD-ĐT nêu rõ hơn các vấn đề số môn thi được xét tốt nghiệp để các em không nhầm tưởng. Thang điểm 20 hay thang điểm 10 thì bản chất không khác nhau, thậm chí có người nói sao không dùng thang điểm 100. Tuy nhiên, nếu dùng thang điểm 20 thì điểm ưu tiên tối đa từ 3,5 sẽ nhảy lên thành 7 điểm. Điều này sẽ thiệt thòi cho thí sinh không được ưu tiên. Về đề thi, Bộ GD-ĐT phát biểu là giống như đề thi THPT, và giống đề thi tuyển sinh ĐH trước đây. Như vậy giống nhau là giống như thế nào xin bộ cho biết cụ thể. Về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, năm nay hiện đã có 200 trường xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng vậy phải xem xét lại ngưỡng 6.0 điểm cho ĐH và 5.5 cho CĐ có hợp lý nữa không… Thứ hai, về mặt kỹ thuật tổ chức kỳ thi, tôi lo lắng ban chỉ đạo cụm thi ở một số cụm thi sẽ phình to quá hay không. Thí sinh tự do cần phải hướng dẫn cụ thể đăng ký hồ sơ dự thi ở đâu sao cho thuận lợi cho các em”.
Về thang điểm 20 mà dự thảo đã đưa ra, các đại biểu đều kiến nghị nên giữ thang điểm 10 để không gây bỡ ngỡ cho chấm thi và trong khâu xét tuyển. Về cụm thi, theo bà Trương Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, thì nên duy trì song song 2 cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì và cụm thi tại địa phương để thuận lợi hơn cho thí sinh. đại diện các sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và các trường THPT kiến nghị Bộ GD-ĐT nên công bố rõ cấu trúc đề thi để giúp giáo viên, học sinh nắm bắt được. Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng việc không cho thí sinh mang Atlat Địa lý cần xem xét lại vì từ trước đến nay trong chương trình dạy ở THPT đều sử dụng tài liệu này để học.
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết, với kỳ thi này sẽ có nhiều “kịch bản” dự kiến cần tính tới. Phòng thi và địa điểm thi phải tính sao cho thuận lợi cho việc di chuyển, vận chuyển đề thi. Dồn phòng thi để giảm sự di chuyển cho thí sinh.
Đảm bảo quyền lợi của thí sinh
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nêu rõ trên tinh thần lấy quyền lợi của thí sinh làm tiêu chí quan trọng, Bộ GD-ĐT sẽ chỉnh sửa ngay những ý kiến để đảm bảo quyền lợi cho các em. Trả lời những kiến nghị của các trường, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Thí sinh tự do sẽ cho các em tự do đăng ký dự thi ở đâu cũng được miễn là thuận lợi cho thí sinh. Theo ý kiến của các thầy cô, các trường chúng tôi sẽ giữ thang điểm 10, cho thí sinh mang Atlat vào phòng thi”.
Về cấu trúc đề thi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng đương nhiên đề thi sẽ bao gồm nhiều câu, trong đó phân hóa từ câu dễ đến câu khó.
Về thời gian công bố quy chế chính thức, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp ở một số khu vực khác. Trên cơ sở đó, sẽ chỉnh sửa, bổ sung những ý kiến đóng góp để đưa vào quy chế. Dự kiến trong 10 ngày đầu của tháng 2 năm nay Bộ GD-ĐT sẽ công bố Quy chế thi THPT quốc gia 2015 và xét tuyển ĐH-CĐ.
Giải đáp các ý kiến về việc không cho các thí sinh dự thi ở các cụm thi do địa phương tổ chức xét tuyển vào các trường ĐH, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: “Bộ không có chủ trương ngăn cản các em thi ở các cụm thi địa phương xét tuyển vào các trường ĐH. Nếu trường nào đủ tin cậy, xét thì kết quả thí sinh dự thi ở các cụm thi địa phương thì hoan nghênh vì thực tế các em cùng thi đề thi do Bộ GD-ĐT ra đề”.
THANH HÙNG