Đưa công nghệ thực tế ảo vào bài giảng

Nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Công nghệ phần mềm (SElab), Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) đã phát triển thành công phần mềm hỗ trợ học sinh học tập trong môi trường thực tế ảo 3D.

Đây là hệ thống dạy và học kết hợp giữa thế giới thực và không gian ảo 3D, hoạt động dựa trên sự tương tác và góc nhìn của người dùng, tích hợp với thiết bị kính VR có sẵn trên thị trường. Khi tham gia vào môi trường ảo 3D, học sinh sẽ thấy các nhân vật xung quanh chính là bạn bè, thầy cô của mình, hiển thị chính xác vị trí các nhân vật so với môi trường thực tế.

Anh Huỳnh Viết Thám, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, để hoạt động, phần mềm cần có thiết bị kính VR hỗ trợ như Meta Quest 2, HTC Vive Pro và không gian phòng học rộng để học sinh có thể dễ dàng di chuyển, tương tác. Trong bài học về “Cấu tạo cơ thể con người”, học sinh sẽ nhìn thấy cơ thể người trước mặt, có thể dùng tay để chọn bộ phận muốn xem, khi đó, thông tin chi tiết từng bộ phận sẽ hiện lên trước mắt. Thậm chí, với công nghệ này, người dùng có thể di chuyển xung quanh vật phẩm để quan sát rõ hơn, chi tiết hơn. “Hiện nay, thiết bị VR ngày càng nhiều, công nghệ thực tế ảo rất phát triển tại các nước trên thế giới. Lợi thế của công nghệ này là có thể áp dụng ở nhiều lĩnh vực, người tham gia có thể tương tác từng mô hình, đến gần để quan sát cấu tạo, cách mô hình hoạt động”, anh Huỳnh Viết Thám chia sẻ. Bên cạnh đó, ứng dụng thực tế ảo và thực tại tăng cường còn cung cấp hình ảnh đẹp mắt, chân thực, tạo sự sinh động cho từng bài giảng. Các bài giảng thông qua hệ thống được xây dựng dựa trên chương trình sách giáo khoa, nhưng học sinh có thể tương tác, cảm nhận trong môi trường ảo 3D.

Phần mềm đã được Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ TPHCM nghiệm thu, triển khai thực tế tại Trường THCS Chu Văn An (quận 11, TPHCM) và nhận được phản hồi tích cực từ thầy cô, học sinh. Ngoài ra, phần mềm còn được ứng dụng để xây dựng không gian triển lãm ảnh phục vụ Đại hội Đoàn tại huyện Bình Chánh, quận Phú Nhuận và Đoàn Công an TPHCM… Hiện nhóm nghiên cứu đang tiến hành xây dựng phần mềm minh họa cho một số bài giảng môn tiếng Anh, Sinh học, Tự nhiên và xã hội (lớp 2), Địa lý và tiếp tục mở rộng thêm nhiều môn học khác.

Tin cùng chuyên mục