
Sau nhiều năm khảo sát, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã quyết định chọn Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) là ngân hàng thụ hưởng đợt đầu khoản hạn mức tín dụng 25 triệu euro để hỗ trợ chương trình phát triển nhà ở ĐBSCL. Với mạng lưới trải rộng khắp, đây là cơ hội lớn để MHB đưa vốn về “tăng lực” cho người nghèo.
“Bơm” vốn cho người nghèo

Vốn xây dựng nhà ở luôn là vấn đề bức xúc của người dân vùng lũ ĐBSCL.
Chủ trương xây dựng nhà ở cho dân tại cụm, tuyến dân cư tập trung ở vùng ngập lũ tại ĐBSCL trong thời gian qua đã phát huy tác dụng tích cực. Tiên phong trong việc cho vay xây dựng nhà ở tại miền sông nước này là MHB.
Đến nay, MHB đã giải quyết cho hàng trăm ngàn hộ gia đình, doanh nghiệp vay vốn để làm nhà, sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm tuyến dân cư tại các tỉnh Tây Nam bộ. Đến nay, dư nợ cho vay tại các tỉnh ĐBSCL của ngân hàng này chiếm gần 70% tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống.
Chỉ riêng quý 1-2006, các chi nhánh MHB tại ĐBSCL đã cho vay gần 2.000 hộ cá nhân, gia đình với số tiền trên 160 tỷ đồng; cho 17 doanh nghiệp vay trên 40 tỷ đồng xây dựng cơ cở hạ tầng và hàng chục doanh nghiệp khác vay trên 100 tỷ đồng sản xuất, kinh doanh… Đây cũng chính là khách hàng sẽ được vay vốn theo dự án AFD.
Theo ông Huỳnh Nam Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị MHB, quý 3-2006 MHB sẽ nhận 5 triệu euro của dự án AFD. Nguồn vốn này sẽ không những giúp xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết vấn đề nhà ở cho nhân dân các vùng lũ mà còn hỗ trợ người dân sau khi định cư vào khu dân cư mới có thể ổn định cuộc sống.
Dự án còn đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn để sản xuất kinh doanh, mua sắm máy móc nông nghiệp, đầu tư hệ thống kho bãi, thiết bị chế biến, phương tiện vận tải… nhằm đa dạng hóa sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần đưa nông thôn thoát khỏi tình trạng độc canh cây lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi… Đây chính là nguồn vốn mà các doanh nghiệp cũng như cá nhân, hộ gia đình rất mong mỏi vì có thời hạn cho vay dài, lãi suất hợp lý, tạo điều kiện cho khách hàng chu chuyển vốn.
Linh hoạt trong cho vay
Tuy nhiên để giải ngân từ dự án AFD, MHB đang gặp không ít thách thức từ thực tế. Hiện nay nhiều cụm tuyến dân cư chưa xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng hoặc đã có nhưng chưa thuận tiện cho sinh hoạt nên nhiều hộ dân chưa tha thiết di dời vào sinh sống. Một số công trình lại chưa được nghiệm thu, thanh toán, nên cũng ảnh hưởng đến nguồn vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia xây dựng cụm tuyến dân cư.
Tính cạnh tranh, chuyên nghiệp của doanh nghiệp và hộ sản xuất trong vùng ĐBSCL chưa cao, máy móc thiết bị cũ kỹ, quy trình công nghệ lạc hậu cũng đòi hỏi ngân hàng phải chọn kỹ khách hàng để cho vay, làm tốc độ giải ngân của dự án chậm.
Phần lớn thu nhập dùng để trả nợ của người dân phụ thuộc vào giá cả hàng hóa nông sản nhưng những năm gần đây giá cả các hàng hóa này không ổn định, nên việc xác định khả năng trả nợ rất khó khăn. Nếu không tính toán kỹ ngân hàng có khả năng liên tục gia hạnï hoặc chuyển thành nợ quá hạn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tín dụng của dự án.
Ông Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng tín dụng của MHB cho biết để giải các bài toán này MHB đã ban hành các quy định về cho vay, bảo đảm tiền vay khá chặt chẽ, đã được AFD thừa nhận, vừa đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng vừa thuận lợi cho khách hàng vay. Hiện nhiều cụm, tuyến dân cư chỉ mới làm nền, chia lô, chưa có thủ tục tách hộ cho người dân, nên cũng phát sinh không ít khó khăn cho việc thế chấp nhà tái định cư để vay vốn.
Trước tình hình này, MHB đã chủ động liên kết với công ty xây dựng để công ty này bảo lãnh nguồn vốn giải ngân. MHB cũng thẩm định kỹ về khả năng thu nhập của người vay để định kỳ nợ chính xác.
Trước đây người dân chỉ vay vốn ngắn hạn (2-3 năm) thì nay với nguồn vốn AFD (7-10 năm) người dân sẽ có thời hạn dài để tích lũy trả nợ. MHB còn lựa chọn những dự án có tính hiệu quả, nằm trong vùng đô thị hóa, nhằm góp phần cải thiện bộ mặt tại vùng định cư mới. Nếu có dự án nào tốt nhưng ngân sách chưa rót vốn đủ thì ngân hàng sẽ cho các công ty xây dựng vay vốn để xây dựng, sau đó thu lại từ nguồn vốn ngân sách.
MAI THẢO