Không lâu sau khi Edward Snowden tiết lộ về chương trình theo dõi liên quan đến các đồng minh xuyên Đại Tây Dương của Mỹ, chính phủ Đức tuyên bố hủy bỏ hiệp ước chia sẻ thông tin ký từ thời Chiến tranh lạnh với Mỹ và Anh. Dự kiến, đây chưa phải là điểm dừng của chuỗi sự kiện bắt nguồn từ cựu nhân viên CIA này.
Từ áp lực ở Berlin
Các thông tin về chương trình do thám trên diện rộng của Mỹ khiến người Đức bất bình. Hàng ngàn người biểu tình đã đổ xuống các đường phố trên toàn nước Đức để phản đối chương trình do thám trực tuyến của chính phủ Mỹ. Trước sức ép chính trị ngày càng tăng từ các đảng đối lập, quyết định trên được đưa ra là để xoa dịu lòng dân trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng tới.
Hiệp ước chia sẻ thông tin được Đức ký kết với Anh và Mỹ từ năm 1968, cho phép hai nước này đề nghị nhà chức trách Đức tiến hành các hoạt động theo dõi thông tin để bảo vệ quân đội của họ đóng tại Đức. Mặc dù Bộ Ngoại giao Anh cho biết hiệp ước này đã không được sử dụng ít nhất là từ năm 1990, nhưng nước Đức có luật bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt và người dân đặc biệt nhạy cảm đối với việc xâm phạm quyền riêng tư. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy chưa tới 50% người Đức được hỏi tin tưởng Mỹ như đối tác đáng tin cậy sau khi chương trình do thám bị phanh phui.
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho biết, việc Đức hủy bỏ hiệp ước giám sát đã kéo dài 50 năm với Mỹ và Anh nhằm đáp lại cuộc tranh luận về bảo vệ quyền riêng tư cá nhân tại nước này. Theo AP, hiện Đức cũng đang thảo luận với Pháp về việc hủy bỏ tương tự.
Đến nước Nga
Tính đến ngày 4-8, trong khi số người Nga ủng hộ Snowden gia tăng thì số lượng những người cho Snowden là tội phạm, tiếp tục hô hào đưa anh ta trở lại Mỹ vẫn không giảm đi. Hai ngày sau khi Edward Snowden chính thức hiện diện trên lãnh thổ của Nga, theo Đài tiếng nói nước Nga, các kết quả thăm dò cho thấy nhiều người dân Mátxcơva tiếp tục cho rằng cựu nhân viên CIA này không phải là nhân vật quan trọng đến mức làm cho quan hệ song phương Nga - Mỹ phát sinh tác động tiêu cực. Giới chuyên gia không chỉ đưa ra nhiều viễn cảnh u ám về mối quan hệ hiện nay giữa Nga và Mỹ, mà còn cố gắng dự đoán về tương lai phát triển của quan hệ này sau sự kiện vừa qua.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama cho đến nay vẫn giữ im lặng, nhưng hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức Mỹ giấu tên cho biết hội đàm giữa Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel với những người đồng cấp Nga dự kiến vào tuần này có thể không diễn ra. Thậm chí, các cơ quan tình báo Mỹ trở nên ráo riết hơn trong quan hệ với những người Nga sống ở nước ngoài.
Tạp chí Época của Brazil ngày 3-8 công bố một văn bản tối mật của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy Washington đã sử dụng thông tin tình báo do NSA cung cấp để đưa ra cách ứng phó phù hợp tại Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ tháng 4-2009 ở Trinidad & Tobago. Tài liệu được công bố là bức thư của ông Thomas Shannon, khi đó là trợ lý ngoại trưởng Mỹ và hiện là đại sứ tại Brazil, gửi Giám đốc NSA, tướng Keith Alexander. Bức thư đề ngày 17-5-2009 còn nêu rõ hơn 100 báo cáo do NSA cung cấp đã giúp Mỹ xử lý tốt các vấn đề gây tranh cãi tại hội nghị như vấn đề Cuba, và đối phó với đối tác khó khăn như cố Tổng thống Venezuela Hugo Chávez. Bức thư tối mật này do nhà báo Mỹ Glenn Greenwald cung cấp. Hiện ông Greenwald đang định cư tại Brazil và đã tới Hồng Công (Trung Quốc) hồi tháng 6 để nhận thông tin tình báo “động trời” đầu tiên từ cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden và cung cấp cho báo chí. |
HẠNH CHI (Tổng hợp)