Đức và Anh đề nghị thành lập Hội đồng Kinh tế Liên Hợp Quốc

Đức và Anh đề nghị thành lập Hội đồng Kinh tế Liên Hợp Quốc
Đức và Anh đề nghị thành lập Hội đồng Kinh tế Liên Hợp Quốc ảnh 1

Phát biểu tại hội nghị của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Đức Angela Merkel (ảnh) ngày 30-1 đã nêu đề nghị thành lập Hội đồng Kinh tế Liên Hợp Quốc (HĐKT LHQ) theo mô hình của Hội đồng bảo an LHQ. Hiến chương này nên đặt cơ sở trên các nền kinh tế phát triển bền vững và HĐKT LHQ sẽ giám sát thị trường.

Theo bà Angela Merkel, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay cho thấy thế giới cần phối hợp tốt hơn thông qua một cơ quan tương tự như HĐBA LHQ.

Bà Merkel nói: “Bối cảnh thành lập HĐKT LHQ cũng giống như việc thành lập HĐBA LHQ sau thế chiến thứ hai”.

Thủ tướng Đức Merkel cũng cho biết bà sẽ kêu gọi một cuộc họp vào năm tới gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để bàn thảo về hiến chương kinh tế. Bà nói: “Hợp tác giữa các tổ chức này vẫn chưa đủ. Những tiêu chuẩn của họ cần được kết hợp lại để hướng tới một hiến chương kinh tế”. Những sáng kiến này của Đức đã được Thủ tướng Merkel đưa ra trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trước đó.

Cũng tại hội nghị của WEF, Thủ tướng Anh Gordon Brown cho biết ông tin tưởng rằng nước Anh sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Theo ông, nước Anh đang ở “tâm bão tài chính toàn cầu” nhưng là nước duy nhất có thể đưa nền kinh tế thế giới ra khỏi cơn suy thoái hiện nay. Thủ tướng Anh muốn Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G20 tại London vào tháng 4 tới sẽ đẩy mạnh cải cách các định chế tài chính toàn cầu và cải thiện hợp tác quốc tế.

Cùng quan điểm với Thủ tướng Đức, Thủ tướng Anh cho rằng các nhà lãnh đạo trên thế giới trong suốt 10 năm qua đã kêu gọi xây dựng một “định chế tài chính toàn cầu với sự giám sát đúng đắn, trách nhiệm cao với khả năng dự báo chính xác tương lai kinh tế thế giới”. Ông nói: “Hiện giờ toàn thế giới đã nhìn nhận rằng các thị trường tài chính toàn cầu không thể giám sát ở mức độ quốc gia”.

Đoàn đại biểu nước ta, do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu, đã tham dự 8 phiên họp của Hội nghị WEF, 14 hoạt động song phương và tham gia đối thoại với các doanh nghiệp quan tâm tới Việt Nam.

Các hoạt động của đoàn Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh, đánh giá cao của ban tổ chức cũng như đông đảo đại biểu. Với mức tăng trưởng trên 6% và thu hút trên 60 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp trong năm 2008, Việt Nam được hội nghị đánh giá là một trong số ít điểm sáng về thu hút đầu tư của khu vực.

Lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn bày tỏ hoan nghênh và ủng hộ những nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng của Chính phủ Việt Nam trong những năm tới. Đồng thời khẳng định tiếp tục đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam bất chấp bối cảnh khủng hoảng chung của kinh tế toàn cầu.

Kết thúc chương trình làm việc tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục dẫn đầu đoàn Chính phủ Việt Nam thăm làm việc tại Thụy Sĩ và Phần Lan.

H.Q. (Theo AFP, BBC, Guardian)

Tin cùng chuyên mục