Đừng ép trẻ mất đi tuổi thơ

Những tưởng cơn say thi hoa hậu, người đẹp với các danh hiệu lạ như “Nữ hoàng sắt thép”, “Nữ hoàng tâm linh”… đã lắng xuống từ năm 2018 khi các cơ quan báo chí truyền thông và đơn vị quản lý cùng vào cuộc, thì nay những cuộc thi người đẹp đang có dấu hiệu quay trở lại với hình thức online. Hơn thế, trẻ em cũng đã bị lôi vào cuộc chơi của người lớn.
Các nhà sản xuất khai thác triệt để các chương trình gameshow dành cho thiếu nhi
Các nhà sản xuất khai thác triệt để các chương trình gameshow dành cho thiếu nhi

Những ngày đầu tháng 10 vừa qua, tại Huế, “Miss Baby Viet Nam 2020” dành cho trẻ em từ 4-8 tuổi đã được tổ chức với nhiều hoạt động như: trình diễn trang phục, thi tài năng, hỏi - đáp… Cuộc thi kết thúc với nhiều danh hiệu được trao cho các bé như: Miss Baby Việt Nam 2020, Miss Baby Việt Nam nhân ái, Miss Baby Việt Nam có gương mặt đẹp nhất… 

Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT-DL, “Miss Baby Viet Nam 2020” chỉ xin tổ chức trình diễn thời trang. Song thực chất, để có được đêm chung kết trao giải, cuộc thi đã có 3 vòng tuyển chọn, ban tổ chức chọn ra được 22 bé gái đến từ 19 tỉnh thành trong cả nước bước vào vòng chung kết toàn quốc. Ở vòng chung kết, các thí sinh nhi đồng diễn trang phục áo dài truyền thống, trang phục dạ hội. 5 thí sinh xuất sắc nhất tham gia phần thi ứng xử, trả lời các câu hỏi về lịch sử, văn hóa Huế mà các thí sinh đã được học trong những hoạt động trước đó. Rõ ràng, về hình thức thì không thể gọi đây là chương tình biểu diễn thời trang, mà là một cuộc thi hoa hậu “nhí” núp bóng.

Về bản chất, các cuộc thi nhan sắc đều có sự cạnh tranh khốc liệt, bởi người chiến thắng chỉ có một và thi hoa hậu “nhí” cũng không nằm ngoài quy luật đó. Ở lứa tuổi 4-8, với các em chỉ cần ăn ngủ ngoan, chăm học, biết nghe lời đó đã là điều tuyệt vời. Còn nay, các bé bị đẩy lên sân khấu với váy áo, với mỹ phẩm và với cả vô vàn áp lực ganh đua để có được thứ hạng. Không chỉ bị ép “chín sớm” mà với trẻ, trong mỗi cuộc thi chỉ chút sơ sẩy đánh giá khen, chê cũng có thể làm tâm hồn non nớt của các em bị tổn thương sâu sắc. 

Chị Nguyễn Ngọc Nga, một phụ huynh ở TPHCM, cho biết: “Con gái tôi khá xinh xắn, hay tham gia các hoạt động văn thể mỹ ở trường tiểu học nên được một số nhãn hàng để ý và mời tham gia đóng quảng cáo. Sau đó, chúng tôi nhận được điện thoại từ đơn vị phối hợp tổ chức một cuộc thi hoa hậu nhí cho thiếu thi. Cân nhắc, vợ chồng tôi quyết định không cho con tham gia. Chúng tôi muốn con mình được học hành và vui chơi đúng lứa tuổi, không để bé bị cuốn theo những thứ mà ở tuổi cháu chưa thể ý thức được hậu quả của việc nên hay không nên tham gia các cuộc thi hoa hậu nhí”. 

Thực tế, nhiều nước trên thế giới từng được cho là khá cởi mở trong việc tổ chức thi nhan sắc thì việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp đối với trẻ em cũng tạo ra nhiều luồng phản ứng rất gay gắt trong xã hội. Chính bởi thế, gần đây, một số nước như Pháp, Bolivia… đã ra những quy định cấm tổ chức thi nhan sắc dành cho trẻ em nhằm đảm bảo cho các bé gái được lớn lên trong sự an toàn và có một tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên. Đây cũng được xem là biện pháp bảo vệ các em gái trước các vấn nạn xâm hại, tấn công tình dục và cả những xáo trộn về mặt tâm lý. Điều này cũng có thể dễ dàng nhận ra, bởi dù là thi hoa hậu, thi hát, gameshow… thì mặt trái của chính vương miện, danh hiệu lại là áp lực rất lớn quàng lên vai non nớt của con trẻ.

Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ trẻ em sửa đổi năm 2014 có quy định khuyến khích các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng dành cho trẻ em, nhưng đó chỉ là các hoạt động mang tính phong trào như kiểu thi bé khỏe bé đẹp… Và tất nhiên, tại thời điểm này, các cuộc thi nhan sắc chuyên nghiệp giống như thi hoa hậu cho trẻ em là không được phép.

Trả lời báo chí liên quan tới cuộc thi “Miss Baby Viet Nam 2020”, lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT-DL khẳng định, sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện việc tổ chức thi hoa hậu “nhí”. Lãnh đạo cục nói rõ sẽ khuyến cáo tới các cơ quan quản lý văn hóa địa phương cần kỹ càng khi cấp phép các chương trình trình diễn nghệ thuật mà đối tượng trình diễn là trẻ em; đồng thời phải tăng cường hậu kiểm với các chương trình này để sớm phát hiện sai phạm, kịp thời xử lý, tránh buông lỏng để các đơn vị dễ dàng sai phạm. 

Việc nhắc nhở, giám sát của các cơ quan quản lý văn hóa là vô cùng cần thiết, song “nước xa không cứu được lửa gần”, để tránh những tổn thương không đáng có thì mỗi bậc làm cha làm mẹ cần tự mình nâng cao tính trách nhiệm trước khi có những quyết định liên quan đến con trẻ. Và hơn hết, đừng bắt trẻ phải mất đi tuổi thơ bởi những vương miện, danh hiệu mà người lớn khoác lên vai chúng.

Tin cùng chuyên mục