
Thời Lê, trong Bộ luật Hồng Đức có những quy định nghiêm cấm rất cụ thể việc hối lộ, lãng phí công quỹ, nhất là trong các dịp lễ, hội, khánh tiết… Điều 4 của chương Hình luật quy định: Những người đưa hối lộ mà xét ra việc của họ là sai trái thì định tội theo vụ việc cụ thể đó. Người không phải việc mình mà đi hối lộ thay người khác thì xử tội nhẹ hơn người ăn hối lộ hai bậc. Của hối lộ phải đem sung công, nộp vào kho…

Theo những quy định này thì biếu quà dưới bất kỳ hình thức nào, đều bị coi là hối lộ. Kẻ đưa và nhận hối lộ đều bị nghiêm trị. Điều 8 của chương Tạp luật quy định: Lãng phí của công thì bị xử biếm (tức là đi đày). Trong lễ, Tết, khánh tiết… cấp dưới không được lấy của công để biếu cấp trên. Các cơ quan không được dùng công quỹ biếu xén lẫn nhau. Bất cứ ai sai phạm đều bị nghiêm trị…
Cũng từ xưa, những việc sau đây được coi là mỹ tục: Học trò biếu thầy rượu, trà, mứt kẹo để tỏ lòng biết ơn. Con cái biếu quà cha mẹ, kể cả tiền bạc, để nhớ công ơn sinh dưỡng. Bạn bè thân thiết tặng nhau tranh, thơ. Làng xã tổ chức yến lão mừng thọ người già ở địa phương.
Nhìn lại thực tế ngày nay, tình trạng biếu xén, quà cáp diễn ra rất nhộn nhịp và ngày càng tinh vi, “hiện đại” hơn, nhất là vào những dịp lễ, Tết. Cùng với việc biếu xén, quà cáp với nhiều “cấp độ” khác nhau là tình trạng lãng phí ngân sách nhà nước, tham ô tài sản công. Quan chức nhà nước lấy xe công đi chùa, đi du lịch, về quê… không phải là ít.
Trong khi người dân phải lao động vất vả để sinh sống và đóng góp cho ngân sách nhà nước thì nhiều đơn vị lại phung phí: xây, đập, rồi xây... trụ sở cơ quan; trang bị phương tiện làm việc đắt tiền (nhiều trường hợp không cần thiết); tổ chức mừng công, tiếp khách; mua quà biếu cá nhân, cơ quan cấp trên… Pháp lệnh thực hành tiết kiệm đã được ban hành cách nay 6 năm, cùng với nhiều quy định của Nhà nước về việc chống lãng phí, tham nhũng, tuy nhiên hiệu quả còn rất hạn chế. Theo số liệu thống kê của ngành tài chính, năm 2001 tổng số tiền chi tiếp khách ở 2.099 đơn vị là 196,44 tỷ đồng.
Cần nhìn nhận một cách nghiêm túc rằng, sự lãng phí, thất thoát tiền của, tài sản nhà nước còn rất lớn. Vì vậy, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa việc tiết kiệm. Không phải chỉ kêu gọi, hô hào bằng lời nói, mà phải có biện pháp, hành động cụ thể.
Ngày 6-1-2006, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ trưởng, các thủ trưởng ban, ngành, chủ tịch UBND các địa phương, các cấp lãnh đạo tổng công ty, các cơ quan nhà nước: Cấm cán bộ, công chức nhà nước mang hoa, quà, tiền đến tặng tại cơ quan, nhà riêng lãnh đạo cấp trên; nghiêm cấm lợi dụng lễ, Tết để liên hoan, du lịch gây lãng phí; cấm dùng tiền, tài sản tập thể để thưởng, tặng cho tổ chức, cá nhân không đúng chế độ qui định; cấm dùng xe công phục vụ cá nhân…
Quy định nói trên đã được các tầng lớp nhân dân hoan nghênh, đồng tình và mong chờ hiệu quả của nó. Rất mong các vị thủ trưởng, từ cấp cơ sở đến trung ương, cương quyết không nhận quà biếu của bất cứ ai, kể cả của các tổ chức, đơn vị nước ngoài, trong bất cứ dịp nào. Thực hiện được như vậy, các vị đã chiến thắng được chính mình. Giành được chiến thắng này quả không đơn giản chút nào đối với một số không ít cán bộ có chức, có quyền. Nhưng nếu làm được điều này, quý vị sẽ có được món quà to lớn, đáng giá hơn rất nhiều, đó là lòng tin của người dân!
ĐỖ THÔNG-XUÂN MIỄN