Đường đua nhan sắc: Giá trị thật hay hào quang ảo?

Chỉ trong vài tháng gần đây, rất nhiều cuộc thi nhan sắc liên tục được khởi động. Các cuộc đua trong nước nở rộ có giúp nhan sắc Việt thăng hạng trên đấu trường quốc tế, mang lại giá trị xã hội hay không... là điều được không ít người dân quan tâm.
Cuộc thi Nữ hoàng yoga Việt Nam 2022 dính nghi vấn tổ chức “thi chui”
Cuộc thi Nữ hoàng yoga Việt Nam 2022 dính nghi vấn tổ chức “thi chui”

Nở rộ cuộc đua nhan sắc 

Bên cạnh những cuộc thi uy tín là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, trong năm 2022 có nhiều cuộc thi được khởi động như: Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam, Miss Grand Vietnam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Trái đất Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên hiệp quốc Việt Nam… Xem ra, từ nay tới cuối năm, công chúng sẽ chứng kiến vài chục tân hoa hậu, á hậu, hoa khôi, á khôi, người đẹp. 

Chương trình truyền hình thực tế về hoa hậu cũng được thực hiện nhộn nhịp. Nếu như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 có chương trình “Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022” phát sóng đã được 6 tập thì Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 cũng vừa ghi hình truyền hình thực tế Người đẹp du lịch, Người đẹp nhân ái tại Thái Nguyên... Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam có chương trình truyền hình thực tế với format tập trung quá trình huấn luyện thí sinh như chiến binh. 
Năm 2022 cũng đánh dấu sự bắt tay của nhiều đơn vị tổ chức cuộc thi nhan sắc. Chẳng hạn, Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu cho biết sẽ kết nối Sen Vàng đưa thí sinh dự thi quốc tế sắp tới; Unimedia (đơn vị tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam) phối hợp Leading Media (đơn vị giữ bản quyền Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam) cùng tổ chức Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam 2022, đưa Á hậu Kim Duyên dự thi Miss Supranational 2022... 

Hoa hậu nhiều để làm gì?

“Sao đi đâu cũng thấy hoa hậu, á hậu được giới thiệu kèm tên cuộc thi hoành tráng mà thiệt nghe chẳng nhớ nổi?”; “Hiện tại có bao nhiêu cuộc thi hoa hậu? Tổ chức thi hoa hậu nhiều để làm gì?”… Đã không ít lần chúng tôi nghe những thắc mắc kiểu này. 

Ngoài nhu cầu của thị trường, sự quan tâm của công chúng, lý do khiến đường đua nhan sắc ngày càng náo nhiệt đến từ sự nới lỏng quy định của cơ quan quản lý sau Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động biểu diễn nghệ thuật không giới hạn số lượng cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong năm. Bên cạnh đó, sự “khao khát” danh hiệu của rất nhiều cô gái cũng là lý do. Với không ít người, có danh hiệu hay chỉ cần “vào tốp” là bước ngoặt đổi đời, bước vào showbiz, kinh doanh hình ảnh… Vì thế, nhiều thí sinh miệt mài “chạy show” ứng thí, tìm kiếm danh hiệu từ cuộc thi này đến cuộc thi khác, từ năm này qua năm khác. 

Đã có không ít cuộc thi hoa hậu được tổ chức rầm rộ, là miếng mồi kinh doanh “béo bở” cho ban tổ chức, doanh nghiệp đồng hành… mà người đi thi tiền mất, danh lại không có giá trị. Vào tháng 2-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM thụ lý vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt 2020 và truy tìm Nguyễn Bảo Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Du lịch Giải trí Khổng Tước. Người đăng quang cuộc thi này tố cáo ban tổ chức lợi dụng cuộc thi chiếm đoạt tài sản các thí sinh hàng tỷ đồng. Đó còn là tai tiếng do một số người đẹp gây ra, như Công an TPHCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố Hoa hậu Lã Kỳ Anh (tên thật Lã Thị Anh, 33 tuổi) - từng đăng quang Hoa hậu Thế giới người Việt tại Mỹ năm 2018, về tội trộm cắp tài sản. 

Lùm xùm từ các cuộc thi, vụ Lã Kỳ Anh và việc quá nhiều cuộc thi nhan sắc khiến danh hiệu hoa hậu dường như ngày càng giảm giá trị trong mắt công chúng. Chị Võ T.A.N. (30 tuổi, ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM) cho biết: “Hoa hậu nhiều quá, lắm người đeo vương miện, thấy bớt giá trị. Nhiều hoa hậu khoe hình đăng quang cuộc thi tầm cỡ quốc tế dữ dằn lắm nhưng nhìn sân khấu trình diễn, nhan sắc dàn thí sinh muốn té ngửa”. Còn chị Nguyễn T.T.T. (35 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cũng lên tiếng: “Ngoài một số hoa hậu thật sự khiến người dân tự hào khi nhan sắc Việt ra thế giới, cũng có không ít hoa hậu chủ yếu quay quảng cáo kem trộn, thực phẩm chức năng; không ít người phấn son là lượt đi sự kiện… Giá trị của hoa hậu đâu chỉ có vậy!?”. 

Theo bà Phạm Kim Dung, Trưởng ban tổ chức Hoa hậu Thế giới Việt Nam, những nhan sắc tạo ra giá trị cho cộng đồng sẽ được quan tâm, còn những người theo chủ nghĩa cá nhân, không mang ý nghĩa gì cho xã hội thường không được chú ý. “Hãy để thị trường, khán giả quyết định sự tồn tại các cuộc thi. Cuộc thi nào chất lượng, mang giá trị thực cho xã hội sẽ phát triển. Cuộc thi nào kém chất lượng, tự thân sẽ không tồn tại lâu dài”, bà Kim Dung chia sẻ. 

Ông Trần Việt Bảo Hoàng, đại diện Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, cũng đồng quan điểm: “Tôi nghĩ các cuộc thi sắc đẹp nên để khán giả quyết định, công nhận. Dù 1, 10, 20 cuộc thi hay nhiều hơn thì bộ nhớ khán giả sẽ tập trung vào những cuộc thi uy tín, người đăng quang xứng đáng. Do đó, tôi nghĩ các đơn vị nên trăn trở chuyện làm sao để tổ chức cuộc thi thật chất lượng và các người đẹp phải tỏa sáng từ chính nội lực”.

Đầu tháng 5, cuộc thi Nữ hoàng yoga Việt Nam 2022 dính nghi vấn tổ chức “thi chui” cho 31 thí sinh khi chưa được cấp phép hay núp bóng biểu diễn nghệ thuật chưa có phép, gây ồn ào dư luận. Sau đó, Thanh tra Sở VH-TT Quảng Ninh xác định, ban tổ chức cuộc thi vi phạm quy định thực hiện biểu diễn nghệ thuật, trình diễn yoga không đúng thông báo cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Công ty tổ chức cuộc thi này bị phạt hành chính 15 triệu đồng và đăng thông báo không tổ chức “chui”!

Tin cùng chuyên mục