(SGGP). – Hôm qua 22-9, tại Hải Phòng, Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội thảo khoa học “Đường Hồ Chí Minh trên biển - Con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam” với sự tham dự của hơn 350 đại biểu, trong đó có nhiều cựu chiến binh từng tham gia trên các con “tàu không số” ở Đoàn 759 và Đoàn 125 Hải quân thời kỳ 1961 - 1975.
Trong tham luận gửi đến hội thảo, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bày tỏ sự tri ân và tôn vinh đối với những đóng góp, hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ đoàn “tàu không số” cũng như các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Đại tướng khẳng định, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo nên phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp đảm bảo chi viện cho chiến trường miền Nam. Mặc dù số lượng vũ khí, hàng hóa mà Đoàn 125 vận chuyển bằng đường Hồ Chí Minh trên biển còn khiêm tốn so với lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường Hồ Chí Minh trên bộ nhưng nó lại có ý nghĩa rất to lớn. Đường Hồ Chí Minh trên biển thực sự trở thành mũi thọc sâu, lợi hại để vận chuyển, chi viện vào những địa bàn ven biển trọng yếu – nơi mà sự chi viện bằng tuyến vận tải chiến lược 559 trên bộ chưa thể vươn tới được, từ đó góp phần làm thay đổi cục diện cuộc kháng chiến để đi đến thắng lợi cuối cùng trong mùa Xuân 1975.
“Những chiến công của các lực lượng tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển là minh chứng cụ thể của sự chỉ đạo sát sao và tài lược của Đảng. Để từng bước hình thành, phát triển tuyến đường chiến lược trên biển, Đảng ta đã phát huy tới mức cao nhất sức mạnh của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn” – Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định.
Trong lá thư gửi đến hội thảo, Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước viết: Chiến công của đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết, của khí phách anh hùng, khát vọng chiến đấu vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta. Chiến công đó là sản phẩm của ý chí sắt đá và sự lao động sáng tạo vô song của quân và dân ta, là một bước phát triển sáng tạo về khoa học, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Lê Đức Anh cũng khẳng định: “Trong chiến tranh, biển Đông giữ vị trí rất quan trọng đối với miền Nam và cả nước. Trong hòa bình, biển, đảo thuộc chủ quyền của ta là sự sống còn của cả dân tộc Việt Nam. Cho nên việc bảo vệ, xây dựng, khai thác biển thuộc chủ quyền của ta hiện nay càng quan trọng hơn bao giờ hết. Tôi mong hội thảo này rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
TR. LƯU
Các tin, bài viết khác
-
Phối hợp chăm lo tốt cuộc sống cho nhân dân
-
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Tìm giải pháp, không tìm giải thích trong cải cách hành chính
-
Phối hợp đào tạo cán bộ chất lượng cho khu vực công của TPHCM
-
TPHCM thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
-
Tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa TPHCM-Singapore
-
Việt Nam tích cực phối hợp với các nước tháo gỡ khó khăn, sớm cấp thị thực cho hộ chiếu mẫu mới
-
Dự thảo Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất rất cao
-
Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn
-
Ký kết Văn kiện khung Chiến lược hợp tác phát triển bền vững giai đoạn 2022-2026 giữa Việt Nam với Liên hiệp quốc
-
TPHCM quán triệt, triển khai nghị quyết về chiến lược phát triển ngành cơ yếu Việt Nam