
Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều gallery tranh nổi tiếng nằm rải rác trên các con đường ở trung tâm như Đồng Khởi, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng...
Nhưng được gọi là đường tranh thì chỉ có một. Đó là đường tranh Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. Nơi đây có khoảng trên 20 gallery tranh trên một đoạn đường ngắn từ ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Thị Sáu tới gần chùa Vĩnh Nghiêm như: Hải Triều, Nguyễn Sơn, Duy Khánh I, Duy Khánh II, Việt Nam, Lưu Luyến, Anh Thư, Bạch Vân, Bảo Trân, Trường Ca, Vân Quyên, Hoa Nắng, Ngọc Chính, Phố Tranh, Hải Kim, Đức Lâm, Lê Ngạt, DC, Trần... Các gallery này, nhỏ thì gọi là phòng tranh, còn có quy mô lớn thì được gọi là nhà tranh.

Trong một phòng tranh trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ảnh: TH.D.
Vào những lúc nhàn nhã, thả bộ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ta có thể vui chân rẽ vào bất cứ phòng tranh nào ở hai bên đường để mua tranh, ngắm tranh hay xem các họa sĩ vẽ tranh. Cuối năm 2005, do đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa mở rộng về hai phía, các phòng tranh -hầu hết nằm ở phần trệt của các căn nhà mặt phố - đều bị thu hẹp lại về mặt diện tích.
Bù lại, phòng tranh nào cũng khang trang hơn bởi các căn nhà trên mặt phố đều mới được xây cất lại với nhiều kiểu dáng hiện đại đẹp mắt. Ở đây, trong những khoảng không gian hẹp được tận dụng một cách hợp lý nhất, những người chủ tranh trưng bày đủ mọi loại tranh từ cổ điển tới hiện đại; từ phương Tây tới phương Đông; từ tranh sơn dầu, tranh thuốc nước, tranh khắc gỗ, khắc đồng, khắc composit đến tranh thêu, tranh quạt, tranh chữ...
Bởi vậy, tới các phòng tranh, khách xem tranh vẫn có dịp được thưởng lãm khá nhiều bức tranh nổi tiếng của các danh họa trong nước và nước ngoài qua các bức tranh chép y như thật. Người mua tranh ở đường tranh được thoải mái lựa chọn mua những bức đang trưng bày, những bức đang vẽ dở dang hoặc đặt vẽ theo mẫu hay theo một ý tưởng nào đó. Giá mỗi bức tranh ở các phòng tranh đều được ghi rõ ở dưới góc mỗi bức, song thực ra đó chỉ là giá niêm yết.
Còn giá thực thì rất linh hoạt, tùy thuộc vào hoàn cảnh và đối tượng cụ thể. Ví dụ, một bức tranh sao chép ở các phòng tranh khổ 0,5m x 1,2m có giá trung bình từ 400.000 đến 700.000 đồng; tuy nhiên, tùy theo khách quen hay lạ, khách sang trọng hay bình dân, tỏ ra rất thích bức tranh hay chỉ hỏi giá để biết chơi... người chủ tranh sẽ đưa ra những cái giá thích hợp nhất với những lời mời chào, giới thiệu khéo léo, mềm mại như các nét vẽ vậy... Tranh ở các gallery này phần lớn là tranh sao chép, chỉ có một số ít là tranh sáng tác.
Đường tranh Nam Kỳ Khởi Nghĩa vẫn đang tiếp tục vươn dài về hai phía. Ở phía Bắc, với hơn mười phòng tranh, đường tranh đã lan tỏa tới ngã tư Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ; ở phía Nam, đã có một vài phòng tranh mọc rải rác ở đoạn ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Thị Sáu. Có thể ghi nhận đây chính là một tín hiệu đẹp về chất lượng sống ngày càng được nâng cao của người dân thành phố Hồ Chí Minh.
NGUYỄN QUỐC VĂN