Hoàn thành nhiều dự án trong năm nay
Theo Bộ GTVT, trong năm 2024, cả nước sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác 23 dự án, chủ yếu là các dự án đường bộ. Trong đó, 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến sẽ đưa vào khai thác cuối quý 1, đầu quý 2-2024, nâng tổng số đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2.021km. Tiếp đó, hoàn thành 2 dự án mang tính kết nối giao thông vùng miền, là Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc và Dự án cải tạo cầu yếu trên các quốc lộ.
Đồng thời, 5 dự án xây dựng các tuyến tránh thành phố sẽ hoàn thành là tuyến tránh TP Hòa Bình, TP Cao Bằng, TP Đồng Hới (Quảng Bình), TP Buôn Ma Thuột và thị xã Ba Đồn (Quảng Trị). Hàng loạt các tuyến quốc lộ đang bị xuống cấp, ùn tắc, nguy cơ tai nạn cao cũng được nâng cấp cải tạo.
Trong số đó, đáng chú ý là tuyến tránh TP Cao Lãnh thuộc giai đoạn 3 của Dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự. Hiện dự án đang được rốt ráo thi công để hoàn thành trong năm 2024. Tuyến đường này kết hợp với các tuyến cao tốc cũng sẽ giúp các phương tiện rút ngắn thời gian đi về TP Cần Thơ, TPHCM và kết nối đô thị phía Nam sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp.
Tương tự, Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên tiến hành nâng cấp khoảng 127km QL19 và xây dựng mới khoảng 27-35km tuyến tránh với tổng vốn đầu tư gần 156 triệu USD cũng là dự án có ý nghĩa đặc biệt. Hiện dự án đang bám sát tiến độ để hoàn thành và đưa vào khai thác vào tháng 6-2024.
Quyết liệt các giải pháp
12 dự án thành phần Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ bổ sung thêm 29km đường bộ cao tốc vào mạng lưới, hoàn thành mục tiêu có 3.000km cao tốc vào năm 2025. Tổng sản lượng 12 dự án đạt khoảng 20.889 tỷ đồng (hơn 21% giá trị hợp đồng), bám sát tiến độ hoàn thành trước 30-6-2025. Bốn dự án có tiến độ tốt, vượt kế hoạch gồm: Vũng Áng - Bùng (31%), Bùng - Vạn Ninh (29%), Chí Thạnh - Vân Phong (26,3%), Vân Phong - Nha Trang (35%). Hai dự án chậm là Hàm Nghi - Vũng Áng (17%), Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (14%).
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời điểm này, ngành GTVT vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi triển khai đồng loạt nhiều dự án quan trọng quốc gia với quy mô lớn. Để các dự án hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư, bộ trưởng đã yêu cầu thủ trưởng các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các cơ quan tham mưu có liên quan của bộ, huy động tổng lực thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm 2024.
“Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được triển khai với nhiều điều kiện thuận lợi hơn dự án giai đoạn 1. Do đó, các đơn vị phải nắm bắt thuận lợi đó, đảm bảo các dự án thành phần giai đoạn 2 đều phải đáp ứng tiến độ và chất lượng, không được phép chậm. Tuy nhiên, mục tiêu vượt tiến độ phải đảm bảo thực chất, thể hiện từ thi công gọn gàng, an toàn, làm tổng thể từ tuyến chính, đường gom, hoàn trả đường dân sinh. Hiện dự án còn vướng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và nguồn vật liệu, nên các cấp chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa”, bộ trưởng nói thêm.
Còn ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), cho biết, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng yêu cầu.
Thông tin từ Bộ GTVT, công tác giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đặc biệt chú trọng, ưu tiên cho các dự án hoàn thành năm 2024. Bộ GTVT đã đưa nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2024 với người đứng đầu các đơn vị. Đồng thời, Bộ GTVT chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu, tư vấn bố trí đầy đủ nhân lực, máy móc, tài chính tập trung thi công theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã lưu ý, thời gian qua, vẫn có những trường hợp tư vấn giám sát, lãnh đạo ban điều hành chưa làm hết trách nhiệm. Các cơ quan quản lý phải xem xét trách nhiệm đối với những trường hợp này, thậm chí là cách chức. Nếu giám đốc ban quản lý dự án không làm được việc này, Bộ GTVT sẽ xem xét, điều chuyển cả lãnh đạo ban.
Cùng với việc toàn ngành hết sức nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đầu tư kết cấu hạ tầng, Bộ GTVT cũng đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, giải quyết nguồn cung vật liệu đối với một số dự án còn lại để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Khắc phục hạn chế trên tuyến đường cao tốc
Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, cho biết, đối với 36 tuyến đường dân sinh bị hư hỏng do phục vụ vận chuyển thi công các tuyến đường cao tốc, hiện vẫn còn một số tuyến chưa hoàn thiện, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Tại các nút giao liên thông, địa phương đề nghị sớm đấu nối nguồn điện vào hệ thống chiếu sáng, đảm bảo an toàn cho người dân.
Địa phương cũng đề nghị các ban quản lý, nhà thầu 2 tuyến đường cao tốc phải đẩy nhanh hoàn thiện các hạng mục còn lại… Trong khi đó, nhiều tài xế chạy trên tuyến đường này phản ánh, chủ đầu tư chưa bố trí các trạm dừng chân để khách nghỉ ngơi, đổ xăng, đi vệ sinh nên rất bất tiện.
* Sau khi rà soát các tuyến đường cao tốc phân kỳ đầu tư với 4 làn xe đang khai thác với vận tốc tối đa 80km/giờ, Cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT có 9 đoạn tuyến đủ điều kiện nâng tốc độ tối đa lên 90km/giờ đối với ô tô con, xe khách đến 30 chỗ (trừ xe buýt), ô tô tải đến 3,5 tấn.
Khánh thành hàng loạt công trình giao thông huyết mạch
Ngày 30-1, TP Đà Nẵng tổ chức khánh thành 3 công trình giao thông trọng điểm gồm Dự án nâng cấp, cải tạo đường ĐT601; tuyến đường ĐH2 và tuyến đường Vành đai phía Tây 2. Công trình đường ĐT601 dài gần 36km có điểm đầu giao với đường ĐT602, điểm cuối giáp địa phận Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư 725 tỷ đồng.
Tuyến đường ĐH2 nối QL14G với đường ĐT602, dài gần 9km, kết nối khu dân cư phía Bắc, Nam, Tây Nam với trung tâm hành chính huyện, nhất là kết nối mạng lưới giao thông thành phố với cao tốc Hòa Liên - Túy Loan và Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đường vành đai phía Tây 2 (từ đường số 8 KCN Hòa Khánh đến đường tránh Hải Vân - Túy Loan) dài 4,6km.
* UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ 8 giờ ngày 31-1, đèo Prenn (cửa ngõ ra vào TP Đà Lạt) chính thức lưu thông toàn tuyến cho các phương tiện (trừ xe tải) di chuyển hai chiều. Được triển khai trong gần 1 năm với số vốn đầu tư hơn 550 tỷ đồng, hiện tuyến đường đèo Prenn đã được mở rộng gấp đôi đường cũ, một số khu vực dừng chân cũng được làm mới để phục vụ du khách tham quan dọc tuyến đèo.
ĐOÀN KIÊN - XUÂN QUỲNH