Duy trì cảnh giác với dịch Covid-19

Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, người dân có tâm lý chủ quan, nhiều chuyên gia cảnh báo Covid-19 vẫn là căn bệnh rất khó đoán định và không giống cúm mùa.
CDC Mỹ khuyến nghị người dân đeo khẩu trang, nhất là trên các phương tiện giao thông công cộng
CDC Mỹ khuyến nghị người dân đeo khẩu trang, nhất là trên các phương tiện giao thông công cộng

Nghiêm trọng hơn bệnh cúm

Đến nay, Covid-19 chưa được coi là bệnh đặc hữu trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi các biện pháp phòng ngừa bệnh chuyển biến nặng được tăng cường, Covid-19 vẫn nghiêm trọng hơn bệnh cúm. Số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho thấy, số người vừa nhập viện vì Covid-19 trong tuần qua cao gấp 3 lần số người nhập viện vì bệnh cúm. Ngay cả khi số ca tử vong giảm xuống mức tương đối thấp, 400 ca/ngày, Covid-19 vẫn là nguyên nhân dẫn đến số người tử vong trong 2 tháng nhiều hơn so với số ca tử vong do bệnh cúm gây ra trong 1 năm. Trong thời gian đỉnh dịch do biến thể Omicron, số người tử vong do Covid-19 trong vài tuần cao hơn số người tử vong do cúm trong cả năm.

Giới chuyên gia nhận định, Covid-19 có một số đặc điểm tương tự như bệnh cúm, nhưng không hoàn toàn giống nhau. Các nhà khoa học đã hiểu rõ về bệnh cúm, nhưng vẫn đang nghiên cứu về Covid-19. Tháng 12 năm ngoái, ông Sen Pei, Phó Giáo sư về y tế môi Trường tại Đại học Columbia (Mỹ), cho biết chúng ta “còn lâu” mới đến giai đoạn đại dịch Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu. Trước khi đạt đến thời điểm này, phần lớn dân số sẽ cần có khả năng miễn dịch với Covid-19 thông qua tiêm chủng hoặc mắc bệnh. Biến thể Omicron xuất hiện khiến dân số Mỹ tăng đáng kể khả năng miễn dịch và đưa nước này đến gần thời điểm đó hơn. Tuy nhiên, tương lai của Covid-19 vẫn chưa rõ ràng. 

Tổn thương lâu dài

Hơn 43% số bệnh nhân Covid-19 trên thế giới mắc hội chứng Covid kéo dài. Trường Đại học Y tế công cộng Michigan (Mỹ) đã đưa ra con số này sau khi phân tích dữ liệu của 50 nghiên cứu và 1,6 triệu người. Giáo sư Bhramar Mukherjee, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết tỷ lệ bệnh nhân mắc hội chứng Covid kéo dài sau 30, 60, 90, 120 ngày mắc bệnh lần lượt là 37%, 25%, 32% và 49%. Xét theo khu vực, châu Á có tỷ lệ bệnh nhân mắc hội chứng trên cao nhất với 51%, tiếp đến là châu Âu với 44% và Bắc Mỹ là 31%. 

Trong khi đó, các nhà khoa học Hàn Quốc đã công bố một nghiên cứu cho thấy, di chứng hậu Covid  không chỉ ảnh hưởng đến phổi hoặc các cơ quan hô hấp khác mà còn được ghi nhận ở đa số các bộ phận trong cơ thể con người như não bộ, tim, thận và thậm chí là cả tóc. Nghiên cứu phát hiện 61 hội chứng hậu Covid 3 tháng sau thời điểm mắc bệnh. So với nhóm không mắc bệnh, nhóm mắc Covid-19 có nguy cơ gặp phải rối loạn khứu giác cao hơn 7,9 lần. Tỷ lệ bệnh nhân từng mắc Covid-19 gặp phải các hội chứng khác cũng cao hơn đáng kể như giãn phế quản (3,6 lần), viêm phổi (3,6 lần), nhược cơ nghiêm trọng (3,5 lần), rụng tóc (3,4 lần) so với những người không mắc. Theo nghiên cứu, đa số những hội chứng không mong muốn này xảy ra trong 3 tháng sau khi mắc bệnh. Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu cho thấy gần 40% số bệnh nhân Covid-19 đã đến viện để khám bệnh mới phát sinh trong 3 tháng sau khi mắc bệnh Covid-19.

Chính vì Covid-19 rất khó đoán định và để lại những di chứng, tổn thương lâu dài cho sức khỏe người bệnh, các chuyên gia cảnh báo người dân cần duy trì cảnh giác với dịch Covid-19, không nên chủ quan với căn bệnh này và tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh, trong đó có đeo khẩu trang. Theo Tiến sĩ Stuart Ray thuộc Trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ), CDC Mỹ vẫn khuyến nghị người dân nên đeo khẩu trang, nhất là khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. “Chừng nào tỷ lệ lây nhiễm còn tăng lên, chúng ta vẫn cần chú trọng bảo vệ bản thân, ngay cả khi không có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Ray nói.

Tin cùng chuyên mục